Nguồn tin của Báo điện tử Đầu tư – baodautu.vn cũng cho hay, việc tới tháng 9/2021, tỉnh Ninh Thuận mới công bố danh sách các nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW là bởi có liên quan tới câu chuyện phạm vi đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Tuy nhiên, sau tất cả, việc đấu thầu rộng rãi quốc tế đã được đưa ra bởi nhà máy điện khí LNG là loại hình chưa hề được triển khai tại Việt Nam đến thời điểm này.
Cảng tổng hợp Cà Ná sẽ tham gia phục vụ phát triển năng lượng |
Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận, có 5 nhà đầu tư được công nhận đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.
Đó là Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc. Nhà đầu tư thứ 2 là Công ty Gulf MP Company Limited. Nhà đầu tư thứ 3 là Tập đoàn Jera Company Inc. Nhà đầu tư thứ 5 là liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty cổ phần Zarubezhneft. Nhà đầu tư thứ 5 là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.
Theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Thuận, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Trung tâm Điện LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW sẽ được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ.
Sở Công Thương Ninh Thuận được giao là bên mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về các tiêu chí và giải pháp kỹ thuật cần thiết để lựa chọn được Nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý, tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, hiện đại và tối ưu nhất theo quy định của pháp luật, bảo đảm cạnh tranh, công khai và bình đẳng; thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tiêu chí, phương án đảm bảo quốc phòng, an ninh theo đúng quy định của pháp luật.
Vào tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (giai đoạn 1) công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tiến độ vận hành năm 2025 - 2026. Còn các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Để đẩy nhanh tiến độ dự án này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn các nội dung về kho cảng LNG, tổng mặt bằng, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia đối với các trung tâm điện lực bổ sung quy hoạch nêu trên. Mặt khác, hướng dẫn các nội dung về giá điện theo quy định trong tổng thể các nguồn điện sử dụng LNG sẽ phát triển trong giai đoạn tới để phát triển đồng bộ các trung tâm điện lực, đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả chung hệ thống điện quốc gia.
UBND tỉnh Ninh Thuận cũng được giao chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG tại địa phương, đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước.
Tiếp đó vào tháng 12/2020, tỉnh Ninh Thuận đã phát ra thư mời quan tâm đầu tư với dự án này với thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện là trước 09 giờ 00 phút ngày 14/01/2021.