Doanh nghiệp
Dự án lớn tăng tốc, xuất khẩu nông sản đón lõng FTA
Thế Hoàng - 22/01/2021 16:34
Chuỗi giá trị ngành nông nghiệp của Việt Nam đang được củng cố để tận dụng tối đa cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng vào các thị trường ký kết FTA với Việt Nam.
Các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh cho nhà máy chế biến nông sản để khai thác cơ hội xuất khẩu.         Ảnh: Đức thanh

Nhà máy mới hòa lưới sản xuất

Tổ hợp nhà máy CPV Food chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu thịt gà tại Bình Phước thuộc Công ty TNHH CPV Food, thành viên của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đi vào hoạt động trong những ngày cuối cùng của năm 2020. Được đầu tư 250 triệu USD, CPV Food được kỳ vọng sẽ đem về nguồn ngoại tệ 200 triệu USD/năm, tạo bước đột phá mạnh mẽ cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành 44 tỷ USD, tăng gần 3 tỷ USD so với kết quả thực hiện năm 2020. Những dự án chế biến lớn đã và đang được đầu tư sẽ là động lực đáng kể giúp xuất khẩu tăng nhanh, tận dụng được 14 FTA đã có hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, với công suất thiết kế sản xuất, chế biến 100 triệu con gà thịt/năm (sau năm 2023), chiếm khoảng 20% tổng lượng sản xuất, chế biến gà của cả nước, CPV Food Bình Phước đi vào vận hành sẽ đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm lớn trên thế giới, giúp thúc đẩy mạnh sự phát triển ngành chăn nuôi trong nước.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), quy mô chăn nuôi gia cầm của Việt Nam trong năm 2021 đạt 515 triệu con, tăng 2% so với năm 2020 nhờ vào các dự án đầu tư lớn với khả năng sản xuất hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn.

Trước đó, một dự án lớn khác là Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và dược liệu Vân Hồ (Sơn La) do Tập đoàn TH đầu tư xây dựng trên diện tích 14 ha, tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng cũng được hòa lưới sản xuất trong tháng 9/2020.

Với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược giai đoạn 2020 - 2025, Dự án sẽ giải quyết đầu ra cho sản phẩm thô từ 15.000 ha vùng nguyên liệu nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau, củ, quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn.

Năm 2020, ngành nông nghiệp đã mang về 41,2 tỷ USD ngoại tệ xuất khẩu, trong đó, đóng góp 10 tỷ USD vào kết quả xuất siêu của cả nước. Trong giai đoạn 2016 - 2020, có 68 nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản đã được đầu tư, riêng năm 2020, có 18 nhà máy đi vào hoạt động.

Sự đầu tư mạnh cho chế biến thông qua các nhà máy lớn được đi vào hoạt động sản xuất đã tạo ra những con số ấn tượng về xuất siêu. Nhưng quan trọng hơn, một lộ trình phát triển đúng hướng đã được hình thành với ngành sản xuất nông sản.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 trong năm 2020, sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn đảm bảo cung cấp hàng hóa cho thị trường nội địa, duy trì hoạt động xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn đạt kỷ lục, trong đó, thủy sản, đồ gỗ, rau quả, hạt điều là những mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD.

Đón lõng FTA

Từ ngày 1/1/2021, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể khai thác cơ hội xuất khẩu, nâng cao giá trị thặng dư nhờ vào 14 FTA với nhiều thị trường lớn đã có hiệu lực. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, đang chờ phê chuẩn, cũng đang mở ra cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước.

Tại Hội nghị RCEP - Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường thế giới do Hiệp hội Trang trại Việt Nam tổ chức hôm 15/1 vừa qua, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại Việt Nam cho biết, với quy mô khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu (26.200 tỷ USD), RCEP là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng mới, đầu tư hoàn thiện để đưa các mặt hàng nông sản ra khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với 14 FTA đang thực thi, trong đó có 2 FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao là CPTPP và EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu, mà thông qua các thị trường này sẽ có được “tín chỉ” chứng minh trình độ sản xuất nông sản, trình độ liên kết các nhóm hàng của Việt Nam có thể đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất, tạo sinh kế, lợi nhuận lâu dài cho từng khâu trong chuỗi sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã lựa chọn một số nhóm ngành đang có lợi thế xuất khẩu nhờ các FTA như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp… để tập trung khai thác.

Bên cạnh đó, ngành đang tích cực tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tăng cường liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.

Năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục đón các dự án lớn vào hoạt động, góp phần tăng năng lực chế biến hàng hóa xuất khẩu. Trong đó, có thể kể đến Dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư, công suất khoảng 50.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư 400 tỷ đồng.

Dự án này dự kiến hoàn thành tháng 12/2021. Khi đi vào hoạt động, hằng năm, Nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn sản phẩm rau quả các loại như chanh dây, xoài, dứa, chuối, bơ, ngô ngọt, rau chân vịt...

Ngoài ra, Doveco cũng đã hoàn thành xúc tiến đầu tư một dự án lớn tại Tiền Giang, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, công suất thiết kế 150.000 tấn sản phẩm chế biến và 200.000 tấn quả tươi xuất khẩu mỗi năm. Sản phẩm xuất khẩu của nhà máy này gồm nước quả cô đặc, sản phẩm nước quả puree, sản phẩm rau quả đông lạnh…

Tin liên quan
Tin khác