Ảnh minh họa. (Ảnh: Phú Cường). |
Dự án Xây dựng, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 12A (QL12A) đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 13/8/2021, điều chỉnh mới nhất vào ngày 30/12/2022.
Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác của tuyến vận tải từ Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đi các cảng biển Hòn La, Vũng Áng, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện trên tuyến qua khu vực thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch…
Dự án có tổng chiều dài 10,83 km; tổng mức đầu tư sau điều chỉnh 511,154 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT), gồm 2 dự án thành phần; trong đó, Dự án thành phần 1 - Đầu tư xây dựng QL12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 447,177 tỷ đồng, chiều dài tuyến 5,76 km. Dự án khởi công xây dựng ngày 1/11/2022, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2024. Dự án thành phần 2 - Đầu tư hoàn thiện QL12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh, tổng mức đầu tư 63,977 tỷ đồng, chiều dài tuyến 5,07 km. Dự án này khởi công xây dựng ngày 14/7/2022, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2024.
Cả 2 dự án thành phần được Bộ GTVT giao Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư. Mặc dù đã điều chỉnh tiến độ đến lần thứ 3, nhưng dự án đang đứng trước nguy cơ cắt vốn nếu không hoàn thành trong năm 2024.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình - chủ đầu tư dự án cho biết, đến nay tỷ lệ giải ngân cả 2 dự án thành phần đạt khoảng 65%. Tuy nhiên, do khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, nên dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ và bị cắt vốn nếu không hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT.
Được biết, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB dự án được tách thành các tiểu dự án riêng và được Bộ GTVT giao UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Bình giao UBND huyện Quảng Trạch, UBND thị xã Ba Đồn làm chủ đầu tư theo phạm vi địa lý dự án đi qua địa bàn. Mặc dù vậy, việc triển khai công tác GPMB, tái định cư của các địa phương diễn ra rất chậm.
“Tại Dự án thành phần 1 còn vướng mắc 2 vị trí ở phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn) và xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch); Dự án thành phần 2 vẫn còn 8/13 hộ dân chưa đồng thuận nhận tiền đền bù và tái định cư để giải tỏa bàn giao mặt bằng 0,42 km còn lại, nên tổng thể dự án đang có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ”, ông Nguyễn Ngọc Quý cho hay.
Cũng theo ông Quý, bên cạnh việc các hộ dân cản trở thi công do chưa thống nhất phương án bồi thường, một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ là do các địa phương chưa hoàn thành các khu tái định cư theo kế hoạch.
Đơn cử, tại phạm vi nút giao đầu tuyến (giao QL1A) thuộc địa phận xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch), có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải giải tỏa, thu hồi đất ở và bồi thường tài sản trên đất. Hiện nay, địa phương dù đã công khai phương án bồi thường, nhưng chưa phê duyệt do chưa hoàn thành khu tái định cư, các hộ dân chưa thống nhất với lý do giá bồi thường đất ở thấp, không phù hợp với mặt bằng giá chung.
Ông Vũ Anh Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho rằng, việc chậm trễ có phần do lúng túng trong công tác triển khai thủ tục tái định cư, thiếu phối hợp và thống nhất giữa UBND xã với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND huyện. Do phải chờ hoàn thành xây dựng khu tái định cư mới phê duyệt được phương án bồi thường và triển khai các bước tiếp theo, nên kể từ đầu năm 2024 đến nay, công tác GPMB không có chuyển biến đáng kể.
Trước việc dự án bị chậm tiến độ, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND huyện Quảng Trạch và UBND thị xã Ba Đồn phải có giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ GPMB cho toàn dự án. Trong đó, lãnh đạo UBND huyện Quảng Trạch phải trực tiếp đối thoại, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án trước ngày 15/9/2024.
Với các khu tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương phải sớm hoàn thành các thủ tục liên quan, triển khai thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư chậm nhất trước ngày 30/10/2024.
Trong một động thái khác, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình về việc tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành GPMB cho dự án.