Sông Soài Rạp là cửa ngõ chính cho phép tàu biển có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào TP.HCM |
Treo nhiều năm
“Khi tham gia đầu tư Dự án Xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chờ vào các bến cảng trên sông Soài Rạp (gọi tắt là Dự án sông Soài Rạp), theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, chúng tôi không nghĩ lại vất vả, truân chuyên như vậy. Đến thời điểm này, sau 7 năm bị dừng triển khai, nhà đầu tư bị thiệt hại rất lớn về tài chính, mất uy tín với các đối tác do các hợp đồng bán sản phẩm nạo vét không thể thực hiện được như cam kết”, ông Lưu Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng cho biết.
Áp lực đối với Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng là rất lớn, bởi Dự án chỉ còn khoảng hơn 1 năm nữa là kết thúc hợp đồng, trong khi thời điểm có thể tái khởi động vẫn là ẩn số cho cả Cục Hàng hải Việt Nam và doanh nghiệp dự án.
Cần phải nói thêm, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng là đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chấp thuận nhà đầu tư đăng ký, nghiên cứu, đề xuất thực hiện Dự án sông Soài Rạp, theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước vào tháng 1/2014.
Tại thời điểm này, Dự án có tên khởi thủy là Dự án xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Tại dự án này, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng có nhiệm vụ huy động thiết bị nạo vét thiết lập các khu neo đậu tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp tại vịnh Gành Rái thuộc vùng biển Cần Giờ (TP.HCM) với tổng diện tích 1.455,86 ha chia thành 3 khu vực nạo vét theo 2 giai đoạn. Tổng khối lượng nạo vét toàn Dự án là trên 51,487 triệu m3, trong đó, giai đoạn I (năm 2015 - 2019) là 33,12 triệu m3; giai đoạn II (năm 2020 - 2024) là 18,363 triệu m3.
Với quy mô triển khai như trên, tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 851 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2024.
Sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, ngày 18/5/2015, Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng đã ký Hợp đồng số 11/2015/HĐNV-XHH. Thực hiện quy định của Hợp đồng, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã bàn giao mặt bằng dự án cho nhà đầu tư vào ngày 28/7/2015. Nhà đầu tư cũng đã huy động đầy đủ thiết bị để triển khai nạo vét như tiến độ cam kết.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 năm triển khai, Dự án buộc phải tạm dừng thi công từ ngày 31/8/2016 để Bộ GTVT thực hiện thanh tra, rà soát. Tại thời điểm tạm dừng, khối lượng nạo vét tại Dự án mới đạt khoảng 2,95 triệu m3, bằng 1/17 khối lượng nạo vét dự kiến và cách rất xa điểm hòa vốn mà nhà đầu tư mong đợi. Điều đáng nói, đây vẫn chưa phải là biến cố đầu tiên ảnh hưởng đến quá trình triển khai Dự án có số phận truân chuyên bậc nhất này.
Cụ thể, đúng 1 năm sau khi thực hiện tạm dừng Dự án, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 325/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm cát; đồng thời rà soát các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa. Đối với các dự án cấp bách, đúng quy hoạch, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật của tuyến luồng và môi trường cho phép tiếp tục thực hiện trên cơ sở phối hợp, thống nhất với UBND cấp tỉnh; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.
Trong khi các bên đang thực hiện rà soát theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, ngày 28/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Nghị định này có hiệu lực thi hành 11/1/2019.
Đến ngày 5/10/2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã có Tờ trình số 3640/TTr - CHHVN gửi Bộ GTVT về kết quả thẩm định Hồ sơ rà soát Dự án xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo chờ cho tàu vào các bến cảng trên sông Soài Rạp theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Tại tờ trình này, ngoài việc điều chỉnh tên gọi, co gọn quy mô thực hiện, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đến thời điểm Nghị định 159/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 11/1/2019), Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền chấm dứt, Hợp đồng dự án vẫn còn hiệu lực, vì vậy, Dự án thuộc đối tượng chuyển tiếp theo quy định tại khoản 2, Điều 49, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 82/UBND-KT ngày 9/1/2020 ủng hộ chủ trương nạo vét, thiết lập khu neo đậu, chờ đợi cho tàu vào các cảng, bến trên sông Soài Rạp theo hình thức xã hội hóa tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước, do vậy, thẩm quyền quyết định việc tiếp tục triển khai dự án là Bộ GTVT.
Trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam, đến ngày 8/3/2021, Bộ GTVT có Văn bản số 1834/BGTVT-KCHT chấp thuận Dự án sông Soài Rạp của Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng đủ điều kiện chuyển tiếp theo quy định. Hai tháng sau, Bộ GTVT tiếp tục có Công văn số 4686/BGTVT - KCHT hướng dẫn các bước triển khai tiếp theo của Dự án bao gồm một số nội dung theo Nghị định 159/2018/NĐ-CP.
Kiếp nạn chưa dứt
Mặc dù tại các công văn số 1834 và 4686, Bộ GTVT đã hướng dẫn khá chi tiết, nhưng “kiếp nạn” của Dự án sông Soài Rạp vẫn chưa chấm dứt.
Theo Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng, sau 2 năm có hướng dẫn của Bộ GTV, Cục Hàng hải Việt Nam vẫn chưa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án - cơ sở pháp lý quan trọng nhất để tái khởi động công trình.
Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng
Hiện tại, vướng mắc lớn nhất tại Dự án chính là việc vênh nhau rất lớn giữa Cục Hảng hải Việt Nam và nhà đầu tư về sự cần thiết và phương pháp xác định giá của sản phẩm tận thu.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trước đây, Dự án được thực hiện theo Thông tư 25/2013/TT-BGTVT, Thông tư 28/2015/TT-BGTVT, trong đó quy định các dự án nạo vét thực hiện theo hình thức kết hợp thu hồi sản phẩm bù chi phí không sử dụng ngân sách nhà nước, nhà đầu tư được ký kết hợp đồng với các bên thu mua để có giá sản phẩm thu hồi.
Hiện nay, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP có nội dung quy định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án phải có nội dung về giá trị sản phẩm thu hồi và phương án xử lý phần chênh lệch, do vậy, Dự án cần thiết phải có giá sản phẩm thu hồi từ cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 43/2018/NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải. Tại dự án này, đơn vị có thẩm quyền công bố giá sản phẩm thu hồi, theo Cục Hàng hải Việt Nam là UBND TP.HCM.
Ở chiều ngược lại, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng cho rằng, Dự án sông Soài Rạp là công trình xã hội hóa thực hiện theo hình thức thu hồi sản phẩm sau nạo vét đề bù chi phí, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, được chuyển tiếp theo Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 43/2018/NĐ-CP.
Điều đáng nói là, trong văn bản trả lời Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 11/2021, Sở Xây dựng TP.HCM nhấn mạnh: “Việc xác định giá sản phẩm tận thu, không thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của Sở Xây dựng, do đó, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản để được hưởng dẫn thực hiện cho phù hợp”.
Đến tháng 4/2022, UBND TP.HCM có Văn bản số 1166/UBND-ĐT cho biết: Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ giá công bố vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng tại khu vực gần vị trí dự án tại thời điểm gần nhất và khấu trừ các chi phí có liên quan đến công tác nạo vét theo định mức của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã ban hành để xác định giá của sản phẩm nạo vét. Đây là phương pháp xác định giá quá phức tạp cho cả Cục Hàng hải Việt Nam và nhà đầu tư.
Do gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giá sản phẩm thu hồi, nên đến thời điểm này, Dự án vẫn đang nằm trên bàn của lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam dù thời hạn hợp đồng chỉ còn khoảng hơn 1 năm.
Theo ông Lưu Quang Lãm, quá trình rà soát, điều chỉnh Dự án đến nay đã kéo dài gần 7 năm kể từ thời điểm tạm dừng, đã hơn 4 năm kể từ khi Nghị định 159/2018/NĐ-CP có hiệu lực và đã 2 năm kể từ khi Bộ GTVT ra văn bản kết luận Dự án đủ điều kiện chuyển tiếp.