Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết đang thúc đẩy tiến độ dự án Đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Quốc lộ 19).
Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 900 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 16 Km, bề rộng nền đường 30m, đi qua các huyện Đak Đoa, thành phố Pleiku và huyện Chư Păh.
Theo ông Phạm Xuân Điệp, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2023. Tuy nhiên đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các huyện có dự án đi qua mới đạt 30%. Vì vậy, nhà thầu phải làm theo kiểu cuốn chiếu, nơi nào giải phóng mặt bằng xong thì ưu tiên làm trước.
Công trường tại dự án đường tránh Quốc lộ 19 ở Gia Lai |
Vào ngày 10/11/2023, ông Đặng Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku ký báo cáo tiến độ GPMB đường tránh Quốc lộ 19 cho biết, dự án đi qua TP Pleiku có chiều dài 4,5 Km. Diện tích đất dự kiến thu hồi là 154.092,63 m2 (tổng 194 thửa đất). Đến nay đã hoàn thành công tác đo đạc, kiểm tra, kiểm kê thực tế đất và tài sản trên đất của 194/194 thửa.
Tuy nhiên, dự án có các hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi tại xã Biển Hồ, Tân Sơn nhưng lại cư trú tại các huyện Ia Grai, Chư Sê và các tỉnh như Hà Nội, TP HCM, Bình Định. Do đó, công tác thu thập hồ sơ và xác minh gặp rất nhiều khó khăn. UBND TP Pleiku, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Pleiku nhiều gần gửi văn bản, đề nghị xác minh gửi các xã của hai huyện Ia Grai và Chư Sê nhưng đến này các xã vẫn chưa có kết quả trả lời. Từ đó, thành phố này đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND các huyện Ia Grai, Chư Sê chỉ đạo xã Ia Dêr, thị trấn Chư Sê có văn bản trả lời về kết quả công tác xác minh, làm cơ sở thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Tại huyện Chư Păh, ngày 26/11/2023, ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện ký báo báo gửi UBND tỉnh này, đề nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án. Cụ thể, huyện đang công khai phương án bồi thường tài sản gắn liền với đất của Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Ngoài ra, có 28 hộ dân bị ảnh hưởng khi dự án đi qua. 28 hộ dân này thống nhất chủ trương thu hồi đất nhưng chưa thống nhất với dự thảo phương án (bồi thường) với lý do giá trị bồi thường cây cối quá thấp so với thị trường, từ đó đề nghị có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Huyện kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai quan tâm chỉ đạo, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện dự án.
Theo ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, dự án 1.200 tỷ đồng này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. “Nếu khâu GPMB hoàn tất bài bản, dự án chỉ thi công trong 1 năm là hoàn thành ”, ông Điệp cho biết.