- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 1: Trĩu nặng “nỗi lo than”
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 2: Mòn mỏi dự án dầu khí
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 3: Mối lo “3 không” từ nguồn điện
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 4: Đường xa với năng lượng sạch
- Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 5: Không thể là “gót chân Asin”
Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương là một trong 4 dự án điện BOT có vốn nước ngoài có nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: S.T |
Áp lực cấp điện chùng xuống
Việc áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 1 đến 22/4, nên nhiều cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động, nhiều nhà máy giảm thời gian làm việc vì đầu vào, đầu ra gặp khó khăn đã khiến áp lực cấp điện chùng xuống ngay giữa cao điểm mùa khô năm 2020.
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Việt Nam (A0), trong tháng 4/2020, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 18,54 tỷ kWh, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 75,83 tỷ kWh, tăng 2,05% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh khiến các nguồn cung điện bớt “vật vã” trong điều kiện khô hạn, thiếu nước ở các hồ thủy điện, nguồn khí đầu vào suy giảm. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng thủy điện giảm tới 36,5% so với cùng kỳ năm 2019; tua-bin khí giảm 16,59%. Tuy nhiên, nhiệt điện than lại phải tăng sản lượng 17,56% và nhiệt điện dầu cũng phát tăng tới 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, sau cả chục năm có mức tăng trưởng tiêu thụ điện quanh mức 10%, tháng 4/2020 nói riêng và 4 tháng của năm 2020, tiêu thụ điện đã giảm mạnh. Điều này khiến áp lực cấp điện giảm bớt phần nào trong điều kiện nhiều công trình điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không vào đúng hẹn.
Bên cạnh mặt tích cực là giảm áp lực về tiêu thụ điện, Covid-19 và giãn cách xã hội cũng khiến loạt công trình điện gặp khó khăn mới, ngoài những khó khăn nội tại. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phát triển điện lực cho hay, các dự án đang trong giai đoạn thi công và đang thực hiện công tác bảo hành, bảo trì, chuẩn bị nghiệm thu chuyển giai đoạn bị ảnh hưởng liên quan đến lao động nước ngoài và một số hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị.
Với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công tác thẩm tra phê duyệt bị ảnh hưởng do việc hạn chế đi lại, tổ chức cuộc họp về thẩm tra, thẩm định các dự án. Một số dự án BOT có thể phát sinh sự kiện bất khả kháng phi Chính phủ dẫn đến khả năng chậm tiến độ.
Dự án nối tiếp nhau chậm tiến độ
Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phát triển điện lực cũng cho thấy bức tranh nhiều gam màu tối trong đầu tư các nguồn điện lớn, khi chỉ có một số công trình điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện là hoàn thành đúng kế hoạch được ghi trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2030, EVN được giao đầu tư 25 dự án nguồn điện, với tổng công suất 17.068 MW (đã cập nhật công suất theo thực tế thực hiện). Đối với giai đoạn 2016-2020, theo Kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 219/QĐ-TTg ngày 13/12/2018, EVN hoàn thành 12 dự án, với tổng công suất 6.100 MW.
Tuy nhiên, đó chỉ là các dự án đã được khởi công từ trước năm 2016. Hàng loạt dự án điện khác được EVN dự tính đầu tư vẫn chưa nhìn thấy ngày về đích. Đó là các dự án tại Trung tâm Điện lực Ô Môn, với nguồn khí đầu vào từ Lô B hay Trung tâm Điện lực Dung Quất, với nguồn khí đầu vào từ mỏ Cá Voi Xanh. Những dự án mở rộng trên nền các nhà máy thủy điện sẵn có như Hòa Bình, Yaly cũng gặp khó khăn với các thủ tục phê duyệt đầu tư, không thể đẩy nhanh tiến độ.
Tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 6 dự án nguồn điện được giao có quy mô 6.600 MW đều chậm tiến độ từ 1-2 năm, một số dự án còn “chưa xác định tiến độ hoàn thành”. Trong 4 dự án giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đầu tư có công suất gần 3.000 MW, thì tới 3 dự án “chưa xác định tiến độ đầu tư” và một dự án “chậm 4 năm”.
Trong khi đó, 4 dự án điện BOT có vốn nước ngoài đang triển khai là Nghi Sơn 2, Duyên Hải 2, Vân Phong 1 và Hải Dương 1 tổng quy mô 4.800 MW cũng nhìn thấy nguy cơ chậm từ 6 tháng tới 1 năm. 4 dự án BOT khác đang đàm phán là Nam Định 1, Vũng Áng 2, Vĩnh Tân 3, Sông Hậu 2 dự kiến chậm 3-4 năm.
Trái với các dự án điện mặt trời và gió được bổ sung dồn dập vào quy hoạch điện thời gian qua và đang chạy hết tiến độ về đích để hưởng giá cao, nhiều dự án nguồn điện truyền thống của các doanh nghiệp tư nhân đang có trong Tổng sơ đồ VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ.
Lý do được nêu ra là không thu xếp được tài chính (Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang, Công Thanh); nguy cơ không có đường dây đấu nối (cụm thủy điện PacMa, Nậm Củm 4, công suất 200 MW); Dự án Thủy điện Hồi Xuân hiện đã thay đổi thông số thực tế gần như toàn bộ so với các thông số nêu trong Hợp đồng mua bán điện năm 2010...
Trước bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 - 2025 gặp nhiều thách thức, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong 5 năm tới.