Với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 80% tổng diện tích đất sản xuất, tỉnh Phú Yên quyết định tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xem đây là một trong những định hướng kinh tế trọng tâm của địa phương trong những năm tới. Để hiện thực hóa chiến lược này, Phú Yên cần thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp làm hạt nhân tạo lực hút các dự án tiếp theo, cũng như hình thành các vệ tinh theo mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
Sự xuất hiện của Dự án Nuôi bò Úc do Công ty cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên (Công ty Thảo Nguyên) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hàng ngàn tỷ đồng đang mang lại sự kỳ vọng lớn cho chính quyền và người dân Phú Yên. Dự án đang dần hiện thực hóa “giấc mơ” làm giàu bằng nông nghiệp cho tỉnh Phú Yên.
Khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh sẽ được triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa. Ảnh: Hà Minh |
Khát vọng của nhà đầu tư
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về ý tưởng hình thành dự án, ông Nguyễn Danh Nam, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên chia sẻ, hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Nhà nước, đặc biệt phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, kết hợp với việc khảo sát thị trường tiêu thụ thịt bò đang trong xu hướng tăng của nước ta, HĐQT Công ty Thảo Nguyên quyết định đầu tư lĩnh vực chăn nuôi bò Úc.
Theo ông Nam, để đầu tư một dự án lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cũng như tạo nên sức bật về giá trị kinh tế và mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, thì dự án cần diện tích đất lớn, có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để triển khai vùng trồng nguyên liệu, đặt nhà máy, chuồng trại…
Ông Nam cũng khẳng định rằng, khi đến Phú Yên, sự tận tâm của lãnh đạo địa phương, đặc biệt là hình ảnh người dân các huyện miền núi, trong đó phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn trong canh tác nông nghiệp truyền thống đã thuyết phục lãnh đạo Công ty chọn Phú Yên triển khai Dự án.
Định hướng mà Thảo Nguyên nhắm đến là, khi triển khai Dự án, trước hết phải xây dựng được các mô hình điểm trồng cỏ, bắp (ngô), mía… đảm bảo 50% vùng nguyên liệu làm thức ăn cho đàn bò phát triển. Từ đó, kết nối với người dân, nhân rộng các mô hình điểm làm vệ tinh, làm sao cho người dân thấy được việc cung ứng cỏ, bắp cho nhà máy phục vụ thức ăn gia súc hiệu quả hơn hẳn lối canh tác truyền thống với cây mì, cây mía.
“Với các loại cây trồng truyền thống khác mà người dân canh tác lâu nay thường mất nhiều thời gian chăm sóc, nhưng hiệu quả khiêm tốn, thì trồng cỏ cho bò chỉ mất 60 ngày và cây bắp 70 ngày. Giả sử, năng suất bình quân 300 tấn cỏ/1 ha, với giá bán 500.000 đồng/tấn, thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, với loại cỏ này, vòng đời đáp ứng cho 6-7 lần thu hoạch. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ thêm về giống và các loại phân bón cho các hộ nông dân”, ông Nam cho biết.
Sau khi hoàn tất việc quy hoạch được vùng nguyên liệu, trong thời gian 3-5 năm tới, Công ty sẽ phải chủ động được con giống, giao con giống về cho bà con nuôi theo quy trình của Công ty đặt ra và Công ty cũng sẽ ấn định thời điểm thu mua khi vật nuôi đạt được tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Điều quan trọng nhất hiện nay để triển khai Dự án nhanh là có được mặt bằng sạch. Bởi theo chủ đầu tư, để đảm bảo tiến độ cũng như yêu cầu chuyên môn của Dự án, song song với việc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ tiến hành ký hợp đồng kinh tế với các đối tác Australia trong tư vấn, thiết kế và tiến hành nhập khẩu bò giống.
Làm giàu trên rừng nghèo
Cuối tháng 12/2015, Tỉnh ủy Phú Yên có kết luận số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương đầu tư Dự án Chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Qua đó, thống nhất chủ trương đầu tư dự án và giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo triển khai dự án theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ.
Đến đầu tháng 1/2016, Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Theo đó, từ quý I/2016, nhà đầu tư sẽ triển khai chăn nuôi khoảng 90.000 con bò trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa trên tổng diện tích vùng chăn nuôi hơn 4.600 ha. Trong đó, phần diện tích giao đất khoảng 690 ha (bao gồm rừng nghèo 418 ha, rừng trồng keo lá tràm là 200 ha, 72 ha còn lại là đất trống, cây ngắn ngày, đường đi, ao hồ).
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, đến năm 2020, đàn bò của tỉnh Phú Yên đạt 250.000 con (hiện đã đạt 170.000 con). Việc đầu tư dự án sẽ dần thay đổi lối chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân chuyển sang nuôi nhốt theo hình thức trang trại; cải thiện chất lượng đàn bò, giống bò. Gia tăng giá trị sản phẩm cho người dân do thịt bò có chất lượng cao hơn, thời gian nuôi vỗ béo ngắn, trọng lượng cao. Dự án cũng đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 700 lao động trực tiếp và người dân địa phương tham gia cung cấp các sản phẩm cho nhà máy.
Để dự án triển khai nhanh chóng, ngày 26/4/2016, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Yên có có công văn xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai theo phương án thực hiện hoàn tất đồng thời các nội dung theo quy định, như: phê duyệt dự án đầu tư, vừa hoàn tất thủ tục về thu hồi rừng, đất rừng, vừa chuyển đổi mục đích đất rừng, vừa đánh giá tác động môi trường…
Ngày 29/4/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành kết luận số 32-KL/TU đồng ý với đề xuất trên và yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành đồng thời các công việc (gồm, phê duyệt dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, phương án trồng hoặc trồng lại rừng...) trước khi tiến hành khai thác rừng và khởi công xây dựng công trình.
Nhấn mạnh lại một lần nữa về các chương trình hành động của Phú Yên, đại diện Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, Phú Yên đất rộng, 80% người dân làm nông nghiệp, để người dân thoát nghèo, phải xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, với quy mô lớn và sự xuất hiện của nhà đầu tư chiến lược, với tiềm lực về vốn, công nghệ hiện đại, thị trường có sẵn sẽ hiện thực hóa chủ trương đó
“Thâm hụt ngân sách của Phú Yên tới gần 50%. Phú Yên không cứ mãi nhận trợ cấp từ Trung ương được. Vì vậy, Phú Yên phải tự lực cánh sinh, muốn vậy phải sáng tạo. Dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa là một trong những đột phá mà Phú Yên đã thực hiện và theo đuổi. Dự án này được thực hiện đúng chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, người dân có lợi, phù hợp với sự phát triển”, đại diện Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định.
Với giấc mơ biến phần diện tích rừng nghèo tại các huyện miền núi tỉnh Phú Yên trở thành đất vàng, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân thoát nghèo, giúp địa phương tăng nguồn thu ngân sách và tạo động lực cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, chính quyền tỉnh Phú Yên đã vận dụng cách làm mới nhằm vận hành đồng loạt bộ máy chính quyền để giúp nhà đầu tư triển khai nhanh hơn dự án.
Có thể nói, không có gì khác hơn, những quyết tâm đó là sự khẳng định khát khao thoát nghèo của chính quyền và người dân tỉnh Phú Yên.