Số phận của Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhiều khả năng phải tới cuối tháng này, hoặc đầu tháng sau mới có thể được định đoạt, sau khi kết quả thanh tra liên ngành về tình hình triển khai và quá trình sử dụng đất của các dự án quy mô lớn, trong đó có Dragon Sea, được hoàn tất và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Cuộc tranh tra này bắt đầu được tiến hành từ tháng 11 năm trước.
“Quá trình thanh tra sẽ cho biết, vì sao các dự án này chậm triển khai, lỗi thuộc về chính quyền địa phương hay nhà đầu tư. Nếu là do năng lực của chủ đầu tư, sẽ phải xem xét để thu hồi dự án”, một lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phóng viên Báo Đầu tư biết.
Dự án Tổ hợp giải trí đa năng 4,1 tỷ USD của Công ty Winvest Investment Việt Nam vẫn nguyên trên giấy kể từ năm 2006 đến nay vì chưa có đất. Ảnh: ST |
Như vậy, trái với thông tin được đưa ra cách đây chưa lâu về việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu đang đề nghị UBND tỉnh thu hồi 9 dự án du lịch, trong đó có Dự án Dragon Sea, thì cho tới nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về số phận của dự án này, mặc dù nếu dự án này có bị thu hồi thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
Lý do là vì, đây là một trong những dự án FDI bị chậm triển khai mà Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần cảnh báo. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2010, Tập đoàn Skybridge (Hoa Kỳ) dự định biến Dragon Sea thành một trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế trên diện tích 47 ha. Tuy nhiên, hơn 6 năm trôi qua, Dự án vẫn chưa được triển khai. Ngay cả việc bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn tất.
Thực tế, đây chính là một trong những khúc mắc lớn nhất trong việc triển khai dự án này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cách đây chưa lâu, ông Micheal Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Skybridge cho biết, Dự án bị ngưng trệ qua nhiều năm không thể triển khai, do tiền thuê đất tăng lên quá cao.
Vào thời điểm năm 2010, dự kiến số tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp một lần cho toàn bộ thời gian hoạt động của dự án (50 năm) và vốn cho khởi công thực hiện giai đoạn I Dự án Dragon Sea chỉ là 350 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là 325 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 1/8/2012, khi bước vào thực hiện dự án, con số mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo cho nhà đầu tư đã nâng từ 325 tỷ đồng lên đến 1.707 tỷ đồng. Nghĩa là, chỉ trong vòng hơn 2 năm, giá thuê đất đã tăng lên hơn gấp 5 lần.
“Điều này đã làm đảo lộn hết kế hoạch tài chính và tiến độ thực hiện Dự án của Tập đoàn Skybridge”, ông Micheal Nguyễn cho biết.
Dù quyết tâm triển khai Dự án, nhưng việc giá thuê đất đột ngột tăng quá cao, theo quy định mới của pháp luật đất đai Việt Nam, đã khiến chủ đầu tư Skybridge không kịp trở tay và đã nhiều lần đề xuất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét lại và vận dụng giá thuê đất hợp lý cho Dự án. Chưa tìm được tiếng nói thống nhất giữa hai bên, Dự án 900 triệu USD vẫn đang lâm cảnh “vật vờ”.
Đáng nói là, cùng cảnh ngộ với Dragon Sea - vướng chuyện đất đai nên không thể triển khai, còn có một dự án khác - Saigon Atlantis Hotel, vốn đầu tư 4,1 tỷ USD. Dự án này thậm chí còn được cấp chứng nhận đầu tư trước cả Dragon Sea, từ năm 2006. Kế hoạch của chủ đầu tư - Công ty Winvest Investment Việt Nam (thuộc Tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) là phát triển một tổ hợp giải trí đa năng, với hàng loạt hạng mục như biệt thự, phòng khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp…
Quy mô lớn và kế hoạch to như vậy, nên Saigon Atlantis đã nhận được rất nhiều kỳ vọng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng một thập kỷ qua đi, khu vực Dự án vẫn chỉ có những bãi cỏ hoang. Chưa có bất cứ động thái nào về việc Dự án đã hay sắp được triển khai. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nhiều lần đốc thúc tiến độ Dự án nhưng bất thành.
Câu chuyện cũng không khác Dragon Sea là mấy. Đó là để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án, trong hai năm 2007- 2008, chủ đầu tư đã ứng trước 98 tỷ đồng tiền thuế đất để hỗ trợ tỉnh chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Vấn đề nằm ở chỗ, tiền thì ứng trước, mà đến tháng 11/2012, tỉnh mới bàn giao được 87 ha đất (trong tổng số 297,3 ha) cho chủ đầu tư. Và theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tiền thuê đất lại được tính ở thời điểm bàn giao đất. Bởi thế, chỉ tính riêng khoản thuế đất cho 87 ha đã nhận, thì trừ đi 98 tỷ đồng tiền ứng trước chủ đầu tư còn phải trả thêm 800 tỷ đồng nữa - một con số quá lớn.
Winvest đã nhiều lần đề nghị tỉnh cho phép áp dụng đơn giá thuê đất vào thời điểm 2007 - 2008, nhưng bất thành. Lãnh đạo tỉnh cho biết, thẩm quyền quyết định việc này là của Chính phủ, không phải của tỉnh.
“Chúng tôi vẫn đang cố gắng tháo gỡ khó khăn, xử lý kiến nghị của chủ đầu tư”, lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Vướng mắc là không dễ tháo gỡ, nhưng đất đai để đó là lãng phí quá lớn, chưa kể còn là cơ hội đầu tư của bản thân các nhà đầu tư hiện tại cũng như những nhà đầu tư khác. Xử lý dứt điểm là biện pháp cần thiết trong thời điểm này.