Ngày 19/6, Hải An bổ sung chi tiết kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong nước. Trong đó, Công ty dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng; đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có (hoặc) không tài sản bảo đảm; dự kiến triển khai trong năm 2023 hoặc năm 2024; kỳ hạn 5 năm; và lãi suất dự kiến sẽ cố định trong suốt kỳ hạn 5 năm, mức tối đa là 6%/năm.
Mục đích phát hành để đầu tư đóng tàu mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tuy nhiên, mặc dù lên kế hoạch huy động vốn để đóng tàu nhưng Hải An vẫn nhìn nhận thấy một số rủi ro khi đóng tàu mới. Trong đó, đầu tiên là ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu biên mậu giữa Việt Nam và các nước khác bao gồm thuế, phí và chính sách kiểm dịch, an toàn vệ sinh và kiểm tra các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, chính sách quản lý đặc thù đối với mỗi loại hàng hóa trong từng thời kỳ.
Thứ hai, tình trạng lạm phát cao kéo dài đang làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và hàng tồn kho cao là những thách thức cho hoạt động vận tải. Sản lượng vận chuyển dự kiến sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 nhưng sẽ khó lặp lại sự bùng nổ như năm 2021. Mặc khác, áp lực gia tăng từ nguồn cung tàu mới sẽ khiến thị trường dư cung và khiến giá cước giảm.
Và cuối cùng, rủi ro về cạnh tranh khi số lượng đơn đóng tàu mới tiếp tục tăng, nâng sản lượng đặt hàng hiện tại đạt 27,9% tổng công suất thị trường – mức cao nhất kể từ năm 2012. Tình trạng dư cung sẽ gây áp lực lên giá cước vận tải biển trong thời gian tới.
Lợi nhuận năm 2023 dự kiến giảm 41%
Trước đó, trong năm 2023, Hải An đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.959 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 492 tỷ đồng (lợi nhuận dự kiến giảm 41% so với thực hiện trong năm 2022). Trong đó, tổng sản lượng 1.006.000 TEU (Trong đó, khai thác cảng là 418.000 TEU, vận tải container là 396.000 TEU, và Depot là 192.000 TEU).
Hải An nhận định riêng với vận tải container, tình trạng dư thừa trọng tải do lượng tàu đóng mới sẽ bàn giao trong các năm 2023, 2024 và năm 2025 (chiếm tới gần 30% tổng trọng tải đội tàu container toàn cầu) có thể sẽ xảy ra, bên cạnh đó các nước đã và đang mở rộng thêm các vùng biển quản lý khí thải và bắt buộc tàu phải sử dụng dầu với tỷ lệ lưu huỳnh nhỏ hơn 0,1% (DO) khi đi vào khu vực này, đồng thời IMO đã áp dụng biện pháp quản lý tốc độ khai thác để giảm phát thải khí Carbon thông qua việc lắp đặt bộ hạn chế tốc độ từ ngày 1/1/2023 … các yếu tố trên sẽ làm tăng đáng kể chi phí kinh doanh cho đội tàu.
Dựa trên dự báo triển vọng kinh doanh, năm 2023, Hải An dự kiến đối với đội tàu phải tiếp tục phấn đấu tăng thị phần vận tải container và phạm vị hoạt động trên tuyến nội địa, cùng với liên doanh ZIM-HAIAN phát triển các tuyến Nội Á, sử dụng linh hoạt động tàu, tiết kiệm chi phí để đảm bảo cho đội tàu hoạt động có lãi.
Đối với các doanh nghiệp khai thác cảng, Depot và Logistics phải phấn đấu đạt lợi nhuận cao hơn năm 2022 để hỗ trợ cho đội tàu. Trong đó, tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cảng, Depot tại khu Cái Mép với giá trị ước tính 300 tỷ đồng.
Về đội tàu, Hải An dự kiến tiếp tục thực hiện dự án đầu tư đóng mới 3 tàu loại 1.800 TEU (Bangkok Mark IV) dự kiến 2.000 tỷ đồng; tiếp tục tìm mua tàu cũ thích hợp khi có cơ hội để đáp ứng nhu cầu sử dụng đội tàu.
Quay lại các tờ trình Đại hội, về cổ tức, năm 2022, Hải An trình cổ tức 50% bằng cổ phiếu với lý do Công ty đang cần tiền mặt để thực hiện các dự án đóng tàu mới, triển khai trong năm 2023.
Lợi nhuận quý đầu năm 2023 lao dốc khi biên lợi nhuận gộp thu hẹp
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Hải An ghi nhận doanh thu đạt 655,14 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 126,37 tỷ đồng, giảm 51,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 52,1%, về còn 29,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 43,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 147,53 tỷ đồng, về 192,45 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 118,9%, tương ứng tăng thêm 11,32 tỷ đồng, lên 20,84 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27,2%, tương ứng tăng thêm 6,42 tỷ đồng, lên 30,05 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lý giải cho việc lợi nhuận đi xuống trong quý đầu năm 2023, Hải An cho biết sản lượng, doanh thu hoạt động càng giảm do nâng cấp sửa chữa mặt bãi; số lượng tàu của đội tàu Hải An kỳ này là 11 tàu, kỳ trước là 9 tàu. Trong khi đó sản lượng khai thác giảm, giá cước biển và cho thuê tàu đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chi phí tăng dẫn tới lợi nhuận hoạt động tàu giảm mạnh.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023 với lợi nhuận đạt 126,37 tỷ đồng, Công ty hoàn thành 25,7% so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (kế hoạch lãi 492 tỷ đồng).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/6, cổ phiếu HAH tăng 300 đồng lên 42.800 đồng/cổ phiếu.