Ngân hàng - Bảo hiểm
Dự báo lãi suất tiết kiệm tăng nhẹ trong năm 2019
Thuỳ Vinh - 20/10/2018 14:45
Do tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng trong năm 2019, tuy nhiên mức tăng được dự báo không quá lớn.

Chỉ số lạm phát trong năm nay được giới chuyên gia kinh tế dự báo được kiểm soát ở mức 4%, nhưng sang năm sau có thể tăng lên 4,5%.

Lãi suất tiền gửi và lạm phát có mối quan hệ tương quan chặt chẽ với nhau và theo chuyên gia HSBC, mặt bằng lãi suất tiền đồng sang năm sẽ khó giữ được mức ổn định như hiện nay.

“Lạm phát năm sau khả năng sẽ cao hơn mức hiện nay, cùng với đó là áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ tạo sức ép lên lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.

Thực tế, thời gian qua, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tăng nhẹ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động nâng lãi suất để ứng phó với việc USD tăng giá do chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại toàn cầu. 

Một yếu tố nữa tác động lên mặt bằng lãi suất thời gian qua, cũng như trong năm 2019, theo ông Hải, là việc NHNN siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% từ đầu năm 2019.

Cụ thể, thời gian qua tín dụng tăng cao, nhưng phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng là kỳ hạn ngắn. Vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài để huy động được vốn trung, dài hạn nhằm cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng quy định trên. Mặt bằng lãi suất huy động trong năm 2019 dự báo sẽ tăng khoảng 0,75%. 

Giới phân tích công ty chứng khoán cũng đồng thuận với quan điểm trên. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cho rằng, lãi suất tiền đồng có thể sẽ tăng nhẹ trong năm 2019 do cả rủi ro bên trong và bên ngoài.

Liên quan tới các rủi ro từ bên ngoài, VDSC cho rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đang trực tiếp gia tăng chi phí vay mượn trên quy mô toàn cầu sau một thập kỷ nới lỏng.

Tại Mỹ, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần cuối năm 2018 khi lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu. Mức lãi suất điều hành của Fed dự kiến sẽ đạt 3,5%/năm trong năm 2019.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VN Direct nhận định, Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng thặt chắt chính sách tiền tệ và các mức lãi suất cơ bản sẽ tăng lên trong năm 2019.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng lãi suất tiền gửi gần đây, theo VN Direct, là do NHNN siết lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài và trung hạn kể từ năm 2019.

Nguyên nhân thứ hai là trong nửa đầu năm 2018, một số ngân hàng lớn giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp bất thường do thanh khoản dư thừa, do đó với thanh khoản thắt chặt như hiện tại buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi.

Mặt khác, với việc ban hành Chỉ thị số 04 để kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, NHNN đã nhận thấy cần phải có biện pháp để ngăn chặn rủi ro gia tăng.

VNDirect ước tính, lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75%/năm và 6,75%/năm.

Ở góc nhìn khác, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện vốn doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng, với 80% nguồn tín dụng cho doanh nghiệp đến từ ngân hàng thương mại "gánh".

Thị trường chứng khoán chỉ cung ứng 20% vốn cho các doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn khác so với các nước trên thế giới. Đó cũng là lý do vì sao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng Việt Nam luôn ở mức cao, với 15 - 16% mỗi năm.

Để giảm được lãi suất, theo TS. Lịch, hiện vấn đề đang được tính toán để sửa quy định về việc doanh nghệp phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán, hình thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nếu không làm được điều này, khi lạm phát tăng lên trên kế hoạch, kéo theo lãi suất tăng theo, doanh nghiệp khó chịu nổi áp lực lãi suất, dẫn tới thua lỗ, đổ vỡ.

Tin liên quan
Tin khác