Sương mù trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vùng núi Bắc Bộ trời chuyển mưa rét từ đêm 17/3; tại Nam Bộhạn mặn giảm dần nhưng vẫn ở mức cao.
Chiều 16/3, ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng đêm 17/3, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, gần sáng và ngày 18/3 ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ chiều 17/3, các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông; từ đêm 17 và ngày 18/3, mưa dông mở rộng ra các nơi khác ở Bắc Bộ và Thanh Hóa với lượng mưa phổ biến 10-30mm/24 giờ, riêng vùng núi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 40-70mm/24 giờ, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 17/3, gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền cấp 2-3. Ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 5, giật cấp 6.
Từ ngày 18/3, Bắc Bộ trời chuyển lạnh với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 18-20 độ C; riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc từ đêm 17/3 trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 16-18 độ C.
Khu vực Hà Nội từ chiều tối 17/3 đến ngày 18/3 có mưa rào và dông, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày 18/3, trời chuyển lạnh với nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 18-20 độ C.
Ở phía Nam, từ ngày 16/3, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3/2020. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, sau giảm dần.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn. Do đó, từ ngày 16-25/3, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt.