Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong báo cáo Hướng về năm 2019 công bố ngày 7/12, UBS Global lưu ý đồng USD đã và đang được định giá quá cao nhờ “các chênh lệch tích cực về lãi suất ngắn hạn” so với những quốc gia khác, trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.
Ưu thế của đồng bạc xanh có thể giảm đi trong năm tới bởi đồng tiền này sẽ chịu sức ép đi xuống cả ở trong nước lẫn từ tình hình địa chính trị ở bên ngoài.
Xét về mặt địa chính trị, mặc dù bất ổn dai dẳng liên quan tới tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn, châu Âu và Nhật Bản đang trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, điều mà các chuyên gia UBS tin rằng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồng USD.
Giám đốc phụ trách đầu tư của UBS Global, ông Mark Haefele, cho biết khi các đồng tiền khác bị định giá thấp, nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn gia tăng do biến động thị trường kéo dài.
Tuy nhiên, các thay đổi tiềm tàng trong lãi suất Mỹ sẽ gây ra sức ép đi xuống với đồng USD trong năm tới.
Trong tương lai, sức mạnh của đồng USD được dự đoán sẽ suy yếu và đồng tiền này yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
Trong khi đó, các đối tác của Mỹ tại châu Âu đang cân nhắc kế hoạch nhằm giảm sự thống trị của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu và tăng cường vai trò của đồng tiền chung châu Âu euro, đặc biệt trong các giao dịch về năng lượng.
Ủy ban châu Âu (EC) có ý định tổ chức các cuộc tham vấn với các bên tham gia thị trường, đặc biệt là về nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt và các loại hàng hóa khác mà đồng USD đang chi phối áp đảo.
Trong lĩnh vực vận tải hàng không, nơi máy bay được mua bán bằng USD ngay cả khi do hãng Airbus của châu Âu sản xuất, Brussels cũng muốn "khởi động một cuộc tham vấn về cách thức thúc đẩy vai trò của đồng euro".