Ngân hàng
Có nên tăng trần lãi suất huy động USD từ dân cư?
Vân Linh - 03/04/2017 07:29
Với lộ trình tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có ý kiến cho rằng, để hút được nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ và tránh dòng vốn USD chảy ra ngoài, nên tăng trần lãi suất huy động USD so với mức 0% hiện nay. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính, ở thời điểm hiện tại, điều này là chưa cần thiết.

Áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Fed

Thời gian gần đây, nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam có dấu hiệu sụt giảm, khối ngoại rút vốn trên thị trường chứng khoán… Điều này khiến không ít người liên tưởng đến mối quan hệ khi Fed nâng lãi suất USD lên trên 1% vào giữa tháng 3/2017, trong khi lãi suất huy động USD tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức trần 0%.

Kế hoạch tăng lãi suất USD của Fed không dưới 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm tới khiến nhiều người lo ngại về khả năng rút vốn của các nhà đầu tư ngoại và hiện tượng kiều hối quay ngược về Mỹ để hưởng lãi suất tiết kiệm cao.

Lượng kiều hối giảm và khối ngoại có thời điểm bán ròng không phải do lãi suất gửi USD bằng 0%

Song các nhà phân tích tài chính cho rằng, việc kiều hối giảm và khối ngoại có thời điểm bán ròng không phải do lãi suất gửi USD bằng 0%. Công ty Chứng khoán SSI nhận định, sắp tới, mức chênh lệch lãi suất USD tại Mỹ và lãi suất huy động ngoại tệ tại Việt Nam sẽ nới rộng, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất USD. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam. Song việc rút vốn của nhà đầu tư ngoại ít có mối liên hệ trực tiếp với lãi suất gửi USD 0%.

Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam thừa nhận thực tế VND đang trong xu thế giảm giá so với USD, nhất là kể từ năm 2015, trước áp lực USD liên tục tăng giá và Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Trong năm 2017, Fed có kế hoạch nâng lãi suất 3 lần, mỗi lần tăng 0,25% trong bối cảnh sức khỏe kinh tế Mỹ liên tục cải thiện, thị trường việc làm tốt lên và lạm phát tiệm cận vùng mục tiêu. Lộ trình này nếu được thực hiện, thì có thể hạn chế lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi do doanh nghiệp trì hoãn kế hoạch đầu tư sau quyết định tăng lãi suất của Fed, Mỹ rút khỏi TPP.

Không nên bi quan

Dù vậy, theo ông Viễn, không nên bi quan, bởi mức giảm giá VND sẽ được kiểm soát tốt quanh 1-2% nhờ vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục (40 tỷ USD) cùng với các chính sách tiền tệ linh hoạt.

Dù đầu năm, các dự báo đưa ra rằng, tỷ giá VND/USD sẽ biến động không dưới 3%, nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, tỷ giá sẽ khó biến động. Việc Fed tăng lãi suất 2 lần sau 3 tháng đã được thị trường dự báo trước, do vậy khi điều này diễn ra, tỷ giá không biến động mạnh. Tình trạng doanh nghiệp “găm” ngoại tệ để chờ tỷ giá tăng đã giảm, vì lãi suất tiền gửi USD chỉ còn 0%.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng, nếu có ngoại tệ, thay vì gửi tiết kiệm bằng USD, tại sao khách hàng không chuyển sang VND để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn so với USD. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi VND là 6-6,5%/năm, trong khi tiết kiệm ngoại tệ chỉ 0%. Nếu cộng thêm 2 - 2,5% biến động tỷ giá trong năm nay, thì gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cũng chỉ được hưởng lợi ở mức khoảng 3%.

Vì thế, theo ông Hải, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ chưa thực hiện ngay việc điều chỉnh trần lãi suất tiết kiệm ngoại tệ. Vì nếu điều này diễn ra, chắc chắn khách hàng sẽ lại chạy theo cuộc đua huy động lãi suất ngoại tệ, tái diễn tình trạng “găm” giữ ngoại tệ…

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, vẫn nên cân nhắc việc nâng trần lãi suất huy động USD từ dân cư, vì điều này phù hợp xu thế tăng lãi suất của Fed. Ước tính tỷ lệ đô la hóa hiện khoảng 9-10%. Nếu không cho phép nâng trần huy động USD, các ngân hàng phải đi vay nước ngoài với lãi suất 1- 3% thì chi phí này rất lớn so với mức lãi suất huy động 0,25%.

Tin liên quan
Tin khác