Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất USD về 0%, vẫn khó xóa “găm” ngoại tệ
Vân Linh - 26/12/2015 08:23
Dù lãi suất tiền gửi USD giảm xuống 0%, song tình trạng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và người dân vẫn còn khá phổ biến.

Sau quyết định nâng lãi suất cơ bản USD lên 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố hạ lãi suất tiền gửi USD của cá nhân từ 2,5% còn 0%/năm. Mục đích của việc này được NHNN tuyên bố là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô-la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Nhưng thực tế thị trường cho thấy, thời gian qua, dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã giảm xuống 0% đối với tiền gửi tiết kiệm của các doanh nghiệp, song không phải doanh nghiệp nào cũng bán hết ngoại tệ cho ngân hàng sau khi có nguồn thu từ hàng xuất khẩu. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp (cả xuất, nhập khẩu) không những vẫn giữ ngoại tệ trên tài khoản, mà thậm chí còn gửi tiết kiệm ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu trong mùa thanh toán cao điểm cuối năm.

Dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã giảm xuống 0% đối với tiền gửi tiết kiệm của các doanh nghiệp, song không phải doanh nghiệp nào cũng bán hết ngoại tệ cho ngân hàng 

Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Công ty chuyên về xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng do có sử dụng vốn vay bằng ngoại tệ, nên khi có nguồn thu bằng USD từ việc thanh toán của đối tác, Công ty không bán, mà duy trì trên tài khoản để chờ đến kỳ tất toán khoản vay cho ngân hàng. Phần còn lại, doanh nghiệp vẫn giữ để chờ tỷ giá tăng trong thời gian tới.

Thực tế, lãi suất vay vốn bằng ngoại tệ hiện nay ở mức rất thấp (chỉ 2 - 3%/năm), nên các nhà xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và đủ điều kiện vẫn chọn vay vốn bằng USD để giảm chi phí trong sử dụng vốn vay từ ngân hàng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, NHNN có thể phải tính đến việc hạn chế cả cho vay bằng ngoại tệ, thậm chí là bỏ luôn. Hiện tại, NHNN chỉ mới gia hạn quy định cho phép cho vay ngoại tệ đến hết tháng 1/2016 cho các đơn vị đủ điều kiện vay.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, lãnh đạo một công ty chuyên nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc và Nhật Bản cho hay, biến động tỷ giá thời gian qua đã khiến giá thành và chi phí tăng, nên khó khăn thêm chồng chất. Do đó, với dự báo tỷ giá còn biến động nhẹ trong thời gian tới sau khi Fed tăng lãi suất, công ty của ông cũng phải chuẩn bị ngoại tệ để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu trước khi năm tài chính 2015 kết thúc, tránh tỷ giá biến động cuối năm.

Không chỉ với các doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ thanh toán cuối năm muốn giữ USD, mà ngay cả với nhiều khách hàng cá nhân cũng chưa muốn “buông” ngoại tệ. Chị Nguyễn Thanh Thanh (quận 4, TP.HCM) cho biết, lâu nay, chị vẫn chia đôi số tiền tiết kiệm (một phần gửi bằng VND và một phần gửi USD). Nay gửi USD không còn lãi, song trước mắt vẫn chưa vội bán “đô” chuyển sang “đồng”, bởi nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới.

Trước hiện trạng trên, một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% không tác động nhiều đến nguồn cung USD trên thị trường. Lý do là, lãi suất USD giảm còn 0%, nhưng các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán cuối năm hoặc thanh toán các hợp đồng tín dụng USD đến hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá.

Thực tế cho thấy, lâu nay, lãi suất tiền gửi bằng USD với tổ chức đã ở mức rất thấp, nhưng các doanh nghiệp vẫn gửi ngoại tệ. Vì thế, việc giảm lãi suất huy động USD lần này chủ yếu nhằm hướng tới mục đích là thực hiện lộ trình chống đô-la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD và giảm một phần áp lực tỷ giá, nếu có.

Đối với khách hàng cá nhân, với việc lãi suất huy động USD giảm còn 0%, khả năng huy động vốn ngoại tệ sẽ giảm, nhưng trước mắt sẽ giảm không đáng kể.

Thực tế, khi gửi tiền VND, khách hàng vẫn được hưởng lãi suất dương, với mức lãi suất được các ngân hàng áp dụng phổ biến là 4,5 - 6%/năm cho kỳ hạn ngắn và 6,5 - 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 9 - 12 tháng trở lên.

Tin liên quan
Tin khác