Lỗ nặng vì lo xa
Ông Phan Đình Thuận, Giám đốc một công ty hóa chất tại Hà Nội than thở, lo USD có thể lại tăng giá vào cuối năm, cuối tháng 9 vừa qua, công ty ông đã tranh thủ mua 100.000 USD để chuẩn bị thanh toán cho đơn hàng đến hạn thanh toán vào tháng 12 tới. Thế nhưng, tỷ giá liên tục rớt mạnh từ đầu tháng 10 đến nay khiến khoản “phòng bị” này bỗng nhiên trở thành khoản lỗ lên tới 30 triệu đồng.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu khác cũng đang “tiếc rẻ” do vội vã mua găm ngoại tệ từ trước mà không lường trước được diễn biến giảm nhiệt bất ngờ của thị trường.
USD giảm giá tuần qua chịu một phần tác động của yếu tố tâm lý |
Giá USD bắt đầu có dấu hiệu giảm rõ nét từ ngày 5/10 ngay khi Thông tư 15/2015/TT-NHNN của NHNN về siết chặt giao dịch ngoại tệ có hiệu lực và giảm sâu nhất là ngày 8/10. Tính chỉ riêng tuần qua, mỗi USD đã mất giá hơn 200 đồng. Giá USD bán ra phổ biến từ mức 22.520 đồng/USD hôm đầu tuần giảm xuống chỉ còn 22.280 đồng/USD.
Dĩ nhiên, USD giảm giá mạnh tuần qua chịu một phần tác động của yếu tố tâm lý. Khi yếu tố này qua đi, thị trường ngoại tệ sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ, USD giảm sâu sau khi NHNN đưa ra 2 quyết định mạnh tay nhằm chống đô la hóa và chống găm giữ ngoại tệ. Cụ thể, ngày 27/9, NHNN thông báo điều chỉnh lãi suất tiền gửi với USD. Theo đó, lãi suất tiền gửi áp dụng với dân cư lùi về 0,25%, còn lãi suất tiền gửi của tổ chức chỉ còn 0%.
Tiếp đó, NHNN cũng ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN về giao dịch ngoại tệ, có hiệu lực từ ngày 5/10/2015 theo hướng siết chặt giao dịch ngoại tệ. Ngân hàng thương mại chỉ được bán USD cho những khách hàng doanh nghiệp chứng minh đủ giấy tờ. Các doanh nghiệp dù mua USD kỳ hạn cũng chỉ được nhận tiền sát ngày thanh toán.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, sau những động thái quyết liệt của NHNN, tuy sự chuyển dịch từ VND sang USD chưa nhiều, song nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán trong tương lai giảm hẳn. Một số người dân bắt đầu tăng lượng USD bán ra cho các ngân hàng.
Sẽ còn thắt chặt giao dịch USD
Từ tháng 8/2015 (thời điểm Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ) đến nay, tỷ giá trong nước biến động liên tục. Tâm lý găm giữ ngoại tệ và kỳ vọng tỷ giá tăng luôn hiện hữu làm thị trường thêm rối. Chính vì vậy, các giải pháp mạnh tay chống găm giữ ngoại tệ của NHNN được các chuyên gia kinh tế tán thành.
“Quy định mới của NHNN chỉ siết chặt giao dịch đối với những nhu cầu không rõ ràng, lợi dụng mua USD để đầu cơ, găm giữ. Còn những doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng như thanh toán tiền hàng nhập khẩu, thanh toán nguyên vật liệu... đều có thể giao dịch bình thường, chỉ cần xuất trình chứng từ chứng minh nhu cầu thanh toán ngay”, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN khẳng định.
Về phía ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng cho rằng, hiện mọi nhu cầu ngoại tệ chính đáng của doanh nghiệp đều được ngân hàng đáp ứng đầy đủ.
“Tôi cho rằng, cần có các giải pháp mạnh hơn để chống đô la hóa triệt để hơn. Cần tiến hành thêm một bước nữa là đưa lãi suất tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng xuống mức âm (thu phí với doanh nghiệp gửi ngoại tệ tại ngân hàng). Cùng với đó, lãi suất huy động USD đối với cá nhân cũng phải đưa xuống mức 0%, thay vì 0,25%/năm như hiện nay”, TS. Hưởng đề xuất.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa nên vội vàng áp dụng các biện pháp trên, bởi nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp rất lớn, trong khi tiền đồng chưa phải là đồng tiền chuyển đổi và quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia cũng chưa thật đủ mạnh.