Ngân hàng - Bảo hiểm
Phó Chủ tịch LienVietPostBank: Ngân hàng tăng lãi suất là tự làm khó mình
Hà Tâm - 29/03/2017 13:59
Trước tình trạng một số ngân hàng dâng lãi suất huy động gần đây, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank cho rằng, nếu đồng thuận, thậm chí lãi suất còn có thể giảm.
Ts. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP LienVietPostBank

Áp lực chính là tự ngân hàng gây ra

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng nâng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn. Liệu có phải lãi suất đang chịu áp lực tăng?

Nói không thì không phải, nói có cũng chưa đúng. Tôi cho rằng, áp lực tăng lãi suất chính hiện nay, nếu có, chủ yếu là do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thực sự.

Hiện nay áp lực về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, biến động của kinh tế thế giới...  đều chưa có. Ngay cả NHNN cũng khuyến cáo, lãi suất có thể giảm thêm nữa. Cá nhân tôi cho rằng, nếu 4 ngân hàng TMCP nhà nước và 8 ngân hàng TMCP lớn đồng lòng, lãi suất không tăng mà thậm chí còn có thể giảm thêm.  

Nhưng nhiều ngân hàng cho rằng, Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực khiến họ phải tăng lãi suất để huy động vốn trung, dài hạn?

Đúng vậy, lãi suất cũng có áp lực nhất định do ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn để đáp ứng tỷ lệ vốn theo Thông tư 06. Tuy nhiên, một số sản phẩm huy động tiền gửi kỳ hạn dài (ví dụ chứng chỉ tiền gửi) sẽ không đẩy mặt bằng lãi suất đi lên, bởi huy động vốn trên thị trường hiện nay vẫn chủ yếu là vốn ngắn hạn (khoảng 70%), khách hàng có nguồn để gửi trung, dài hạn không nhiều. Việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.

Bên cạnh lý do này, còn có một số nguyên nhân khác khiến ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Thứ nhất, năm ngoái một số ngân hàng dồi dào vốn nên đã ký trước nhiều hợp đồng tín dụng nên bây giờ một là phải tăng lượng vốn huy động để đáp ứng cho các hợp đồng đã ký.

Thứ hai, kinh tế có dấu hiệu phát triển, nên các ngân hàng tăng vốn để dự phòng tăng tín dụng.

Thứ ba, trên thị trường vẫn có những khách hàng xin vay vốn bằng bất kỳ giá nào và một số ngân hàng vẫn thích cho vay đối tượng này, đẩy lãi suất lên cao.

Với LienVietPostBank, nhiều doanh nghiệp xin vay với lãi suất cao chúng tôi vẫn không dám cho vay, bởi điều đó dự báo cái chết bất kỳ lúc nào. Tôi cho rằng, NHNN phải kiểm soát chặt chẽ, tổ chức tín dụng nào phá trần lãi suất, cố tình gây sức ép giả lên thị trường lãi suất thì phải lập tức chấn chỉnh, tránh tạo thành một cuộc đua lãi suất. 

Các ngân hàng tự làm khó mình

Trong khi nhiều ngân hàng TMCP tăng lãi suất, đầu tuần này, LienVietPostBank lại công bố giảm lãi suất huy động. Tại sao vậy, thưa ông?
Thứ nhất, thanh khoản của LienVietPostBank đang rất dồi dào, nguồn vốn khá bền vững vì tỷ lệ huy động vốn từ dân cư rất cao. Thứ hai, chúng tôi giảm lãi suất để hưởng ứng chủ trương ổn định và giảm lãi suất của Chính phủ. Quan trọng hơn cả, như tôi đã nói, giai đoạn hiện nay chưa có nhiều yếu tố tác động đến lãi suất.

Tôi cho rằng, việc một số ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua chỉ là tức thời và có thể sắp tới hàng loạt ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất. Chúng tôi tiên phong đón đầu làn sóng giảm lãi suất để tiết kiệm chi phí, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho khách vay. 

Bản thân LienVietPostBank cũng không muốn đẩy lãi suất lên, vì chúng ta đã có nhiều bài học trước đây: Những doanh nghiệp vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai. Nếu lãi suất tiếp tục tăng, doanh nghiệp vẫn tiếp tục vay thì trước mắt có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng nợ xấu có thể ập đến bất kỳ lúc nào.

Theo ông, trong điều kiện hiện nay, NHNN đã bỏ được trần lãi suất?

Về lý thuyết, lãi suất phải tùy theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những doanh nghiệp, ngân hàng không chơi sằng phẳng, họ vẫn có những tiểu xảo nhất định. Vì vậy, trần lãi suất vẫn là một công cụ quản lý hữu hiệu và trước mắt là chưa nên bỏ.
Như chúng ta đã  thấy, trên thị trường lãi suất, thỉnh thoảng lại có những cơn sóng. Nếu như không có trần lãi suất thì không thể kiểm soát được tình trạng trên

Nên đưa lãi suất USD lên khỏi mặt đất

Để hạn chế những sức ép lên lãi suất thời gian tới, theo ông, chính sách tiền tệ cần có những điều chỉnh nào?

Giải pháp tốt nhất là các ngân hàng đạt được sự đồng thuận về bình ổn lãi suất. Bởi như tôi thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 10% trở lên là một gánh nặng rất lớn. Có thể họ vẫn cố để trả được hiện nay, nhưng trong tương lai lâu dài gánh nặng đó rất dễ bị khựng lại, rồi nảy sinh nợ xấu.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 06/2016/TT-NHN, bắt đầu từ 1/1/2017, các ngân hàng phải đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn từ 60% xuống còn 50%. Vấn đề này hiện nay đang gây ra nhiều cách hiểu. LienVietPostBank đã đưa tỷ lệ này xuống dưới 50% ngay từ đầu năm 2017 song tôi cho rằng, NHNN nên cho phép tình tỷ lệ 50% cho bình quân cả năm chứ không phải là áp dụng ngay tại đầu năm, giúp ngân hàng đỡ áp lực.

Ngoài ra, cũng để hạn chế sức ép lên lãi suất VND, tôi mạnh dạn đề xuất lần nữa đưa lãi suất huy động USD lên khỏi mặt đất, có thể là 0,25% -,5%/năm thay vì 0% như hiện nay. Nhất là khuyến khích huy động kỳ hạn dài để hút được nguồn ngoại tệ từ trong nước cũng như ngoài nước.

Kinh tế có dấu hiệu phục hồi, phát triển, chắc chắn có nhiều dự án lớn. Mà những dự án này cần vốn trung, dài hạn. Vì vậy, đã đến lúc cho phép trả lãi huy động USD để đưa USD vào trợ lực cho tiền đồng.

Tin liên quan
Tin khác