Ngân hàng - Bảo hiểm
Thêm ngân hàng giảm lãi suất huy động
N.L - 28/03/2017 16:59
Ngân hàng TMCP LienVietPostBank vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động tất cả kỳ hạn, mức giảm từ 0,1-0,4%. Đây là ngân hàng thứ 7 tham gia giảm lãi suất huy động trong vài tuần gần đây.
LienVietPostBank điều chỉnh giảm lãi suất từ 27/3/2017

Biểu lãi suất mới của LienVietPostBank có hiệu lực từ ngày 27/3/2017. Theo đó, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn như 7 tháng, 8 tháng, 10 tháng, 11 tháng giảm 0,4%. Kỳ hạn 4 tháng, 5 tháng và 6 tháng giảm 0,3%, các kỳ hạn còn lại giảm 0,1-0,2%. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4,4%/năm, 6 tháng là 5,5%, 9 tháng là 5,7%, 11 tháng là 5,5% và 12 tháng là 6,8%.

Theo biểu lãi suất mới, mặt bằng lãi suất huy động của LienVietPostBank khá thấp, ngang bằng với khối ngân hàng TMCP quốc doanh. LienVietPostBank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ huy động vốn từ dân cư trong tổng huy động cao nhất hệ thống, với lợi thế là mạng lưới tiết kiệm bưu điện.

Cùng với LienVietPostBank, 6 ngân hàng thương mại khác cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1% đến 0,3%, bao gồm: VPBank, Viet Capital Bank, VietBank, VIB, Maritime Bank, Dong A Bank... 

Trước đó, một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. NHNN khẳng định việc các NHTM điều chỉnh tăng/giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường.

"Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số NHTMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường. Thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các NHTMCP vẫn giữ ổn định", đại diện NHNN khẳng định.

Trả lời Infomoney.vn, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết, sở dĩ ngân hàng giảm lãi suất (đa phần là lãi suất ngắn hạn) nhờ thanh khoản hệ thống ổn định. Tuy nhiên, một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là bởi áp lực của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Thông tư 06 quy định, từ 1/1/2017, các ngân hàng chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn (trước đây là 60%). Sang năm 2018, con số này chỉ còn 40%. Nhu cầu vốn trung, dài hạn tăng lên nên các ngân hàng buộc phải chào bán ra thị trường những sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn có mức lãi suất hấp dẫn hơn. Bởi hiện nay, thói quen của người gửi tiền vẫn là gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi nhu cầu vay trung, dài hạn (trên 12 tháng) chiếm tỷ lệ lớn.  

Tin liên quan
Tin khác