Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng VIB |
Thưa ông, gần đây nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi siêu lãi suất. Thế nhưng, cũng nhiều ngân hàng lại công bố cắt giảm lãi suất huy động. VIB là ngân hàng vừa giảm lãi suất huy động, vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, ông lý giải nghịch lý này như thế nào?
Giảm lãi suất mà các ngân hàng vừa công bố chủ yếu nhắm vào các kỳ hạn ngắn. Riêng với kỳ hạn dài, vừa qua một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, trong đó có VIB, nguyên nhân là các ngân hàng đang cơ cấu lại kỳ hạn tiền gửi.
Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, bắt đầu từ năm nay, các ngân hàng chỉ được sử dụng 50% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn (trước đây là 60%). Sang năm 2018, con số này chỉ còn 40%. Nhu cầu vốn trung, dài hạn tăng lên nên các ngân hàng buộc phải chào bán ra thị trường những sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn có mức lãi suất hấp dẫn hơn. Bởi hiện nay, thói quen của người gửi tiền vẫn là gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi nhu cầu vay trung, dài hạn (trên 12 tháng) chiếm tỷ lệ lớn.
Ông có cho rằng, việc ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi siêu lãi suất sẽ đẩy mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường dâng lên, thậm chí sẽ có hiện tượng “đua” lãi suất như giai đoạn trước đây?
Chắc chắn sẽ không có cuộc đua lãi suất nào. Trước đây, ngân hàng đua lãi suất vì thanh khoản yếu, ngân hàng huy động 10 đồng thì cho vay tới 11 đồng (đi vay thêm trên thị trường liên ngân hàng để cho vay).
Còn hiện nay thanh khoản của hệ thống dồi dào nên hiện tượng này khó xảy ra. Đơn cử, tại VIB, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) chỉ chiếm khoảng 70% (huy động 10 đồng thì mới cho vay được gần 7 đồng). NHNN quy định, ngân hàng chỉ được cho vay 80-90%, nguồn còn lại phải để dự trữ thanh khoản. Chính vì thanh khoản của hệ thống đang khá tốt nên đua lãi suất sẽ không xảy ra.
Chưa kể, chứng chỉ tiền gửi huy động vốn trung, dài hạn hiện đang chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu vốn huy động của ngân hàng (tại VIB là dưới 5%), nên sẽ khó có chuyện phát hành chứng chỉ tiền gửi sẽ làm mặt bằng lãi suất chung của thị trường biến động.
Theo tôi, lãi suất huy động thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, lãi suất huy động trung, dài hạn sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay do nhu cầu vốn trung, dài hạn tiếp tục tăng thời gian tới. Đây cũng là dịp các ngân hàng chào bán ra thị trường các sản phẩm huy động vốn trung, dài hạn để thị trường làm quen, từ đó thay đổi hành vi gửi tiền từ kỳ hạn dưới 12 tháng là chủ yếu sang những kỳ hạn dài hơn.
Lãi suất huy động trung, dài hạn duy trì ở mức cao, có đồng nghĩa với lãi suất cho vay sẽ dâng lên thời gian tới không, thưa ông?
Ngân hàng muốn nâng lãi suất cho vay cũng không được vì cho vay cạnh tranh rất khốc liệt, khách hàng có nhiều lựa chọn, nhất là khách hàng có chất lượng tốt. Chính vì lãi suất cho vay không thể tăng, nên lãi suất huy động cũng không thể đua tăng một cách vô tội vạ, nếu không ngân hàng sẽ rơi vào thua lỗ, mất khách.
Đương nhiên, lãi suất cho vay cũng không có mức đồng đều cho tất cả khách hàng mà sẽ tùy thuộc vào chất lượng của từng khách vay. Khách hàng tốt, có khả năng trả nợ, ngân hàng quản lý được dòng tiền… thì lãi suất cho vay chỉ cao hơn lãi suất huy động khoảng 1-2%, nhưng với những khách hàng mà ngân hàng không quản lý được dòng tiền, có mức độ rủi ro cao hơn thì lãi suất cho vay đương nhiên cũng phải chấp nhận cao hơn.