Ngân hàng
Lãi suất cho vay khó tăng cao
Vân Linh - 26/03/2017 08:15
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, khó có thể nói mức lãi suất cho vay nào là phù hợp với các doanh nghiệp. So với mức cao của 2-3 năm trước, lãi suất hiện nay có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, so với các nước lân cận trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn cao, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Theo ông, lãi suất cho vay hiện nay có còn là áp lực đối với doanh nghiệp?

Lãi suất cho vay phụ thuộc vào tình hình kinh tế. Nếu lạm phát thấp thì lãi suất sẽ giảm và ngược lại. Mức lãi suất hiện nay có thể chấp nhận được so với mức cao của 2-3 năm trước. Tuy nhiên, so với các nước lân cận trong khu vực như Thái Lan, Singapore và kể cả Indonesia, Philippines, thì lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao, nên sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc ngành ngân hàng giảm lãi suất ở mức thấp hơn sẽ là đòn bẩy kích thích cầu tín dụng tăng, cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

.

Trước xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng hiện nay, lãi suất đầu ra sẽ khó giảm?

Mặt bằng lãi vay mà các doanh nghiệp đang phải trả hiện nay vào khoảng 9-10%/năm cũng không phải thấp. Trong bối cảnh chỉ số lạm phát năm nay được cho là sẽ tăng so với năm trước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang có xu hướng đi lên, thì áp lực tăng lãi suất đầu ra là mối lo đối với doanh nghiệp.

Các ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 6%/năm trở lên. Nếu Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất ổn định và tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, thì sẽ có mức lãi suất tái chiết khấu tương đối thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, để có và giữ được thị phần tín dụng, ngân hàng cũng phải cạnh tranh khốc liệt trong việc cho vay và lãi suất được xem là một công cụ hữu hiệu để thu hút khách hàng. Vì thế, các ngân hàng cũng khó có thể áp mức lãi suất cho vay cao hơn so với mặt bằng của thị trường để có thị phần tín dụng.

Theo ông, áp lực tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay sẽ tác động ra sao đến tỷ giá và lãi suất?

Đầu năm 2017, các dự báo cho rằng, tỷ giá VND/USD sẽ biến động không dưới 3%, nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, nhiều khả năng tỷ giá sẽ khó biến động mạnh. Ngoại trừ những biến động của thị trường Mỹ và việc Fed tăng lãi suất USD tác động tích cực lên đồng bạc xanh, thì tỷ giá VND/USD cũng không vì thế mà biến động nhiều.

Việc Fed tăng lãi suất đã được thị trường dự báo trước, do vậy, kể cả khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá VND/USD cũng không biến động mạnh. Fed cho biết sẽ không dưới 3 lần tăng lãi suất trong năm nay và điều này sẽ khó tránh gây áp lực lên tỷ giá VND/USD, song với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào và các dòng vốn FDI, FII tiếp tục chảy vào Việt Nam, thì tỷ giá vẫn được kiểm soát linh hoạt.

Không chỉ tỷ giá, mà áp lực lên lãi suất VND cũng không quá đáng lo. Lãi suất tiết kiệm tăng gần đây chủ yếu do các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Rủi ro tỷ giá không quá lớn, nên cầu tín dụng ngoại tệ sẽ gia tăng?

Hiện các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngoại tệ để giảm bớt áp lực lãi suất khi vay bằng VND. Tuy nhiên, muốn vay được ngoại tệ không hẳn là điều dễ dàng đối với các doanh nghiệp, bởi Ngân hàng Nhà nước đã có quy định và các ngân hàng cũng phải có sự chọn lọc kỹ. Mặt khác, áp lực Fed tăng lãi suất không dưới một lần trong năm nay cũng có tác động nhất định đến tỷ giá và điều này cũng buộc các doanh nghiệp phải cẩn trọng.

Doanh nghiệp xuất khẩu đương nhiên muốn tỷ giá tăng. Nhưng có một điều cần xét đến, đó là hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều có nhập khẩu nguyên liệu, vật tư. Do đó, với mức tỷ giá hiện nay, họ cảm thấy yên tâm hơn và kỳ vọng sẽ không biến động nhiều trong năm nay.

Tin liên quan
Tin khác