Ngân hàng - Bảo hiểm
Fed tăng lãi suất: Tỷ giá trong tầm kiểm soát
Vân Linh - 20/03/2017 08:27
Sau động thái tăng lãi suất USD thêm 0,25%, lên mức 0,75-1% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá trên thị trường nội địa vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nên chủ động phòng và ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nhận định của ông về diễn biến tỷ giá VND/USD sau khi Fed vừa điều chỉnh lãi suất USD?

Đúng như thị trường dự đoán, Fed vừa nâng lãi suất liên bang lên khoảng 0,75 - 1% và dự báo sẽ có thêm các lần tăng nữa trong năm 2017. Lần tăng tiếp theo dự đoán sẽ diễn ra vào tháng 6 và tháng 12 năm nay. Với mức tăng thêm 0,25% lãi suất USD như trên, tỷ giá VND/USD biến động không quá lớn.

 Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Hơn nữa, với mục tiêu ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp về việc cam kết sẽ bán ngoại tệ và đảm bảo nhu cầu chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp, vì vậy, tỷ giá sẽ trong tầm kiểm soát. Mức giảm giá tiền đồng sẽ được kiểm soát tốt quanh mức 1-2% nhờ vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục (40 tỷ USD), cùng với các chính sách tiền tệ linh hoạt. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng sau khi Fed tăng lãi suất USD cũng giảm.

Theo ông, xu hướng tiếp tục tăng của đồng bạch xanh tạo áp lực thế nào lên tỷ giá VND/USD?

Kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn dưới thời của Tổng thống mới và điều này sẽ tác động lên USD. Chủ tịch Fed cũng lưu ý, sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tác động đến kế hoạch điều chỉnh lãi suất trong tương lai của Fed. Xu hướng tăng giá của USD được nhận định sẽ còn tiếp tục trong trung và dài hạn.

Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát, qua đó khiến lãi suất tăng ở tương lai sẽ là nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ cho USD trong thời gian tới. Điều này được cho là áp lực đối với tỷ giá VND/USD.

Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều phải đối phó với sự biến động của tỷ giá, chứ không riêng gì Việt Nam. Thế nhưng, tỷ giá tăng cũng có nhiều yếu tố. Trước hết là do yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như những lo ngại về việc ông Donald Trump đã tuyên bố cắt bỏ TPP, hay Fed sẽ tăng tiếp lãi suất đồng bạc xanh khiến giá USD tăng. Nhưng cũng không nên quá lo lắng, vì Ngân hàng Nhà nước đã có dự trữ ngoại hối lớn. Nói cách khác, áp lực tỷ giá tăng là có, song trong tầm kiểm soát.

Doanh nghiệp nên phòng ngừa rui ro tỷ giá bằng cách nào, thưa ông?

Thông thường, tỷ giá tăng vào cuối năm là mang tính chu kỳ, khi việc thanh toán cho đối tác nước ngoài đến hạn, nên cầu về ngoại tệ gia tăng. Doanh nghiệp đã biết điều này, nên chủ động ứng dụng nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá (hedging) thông qua việc mua ngoại tệ theo hợp đồng giao sau (future contract), hay nói cách khác đây là một dạng bảo hiểm biến động tỷ giá.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, giữ VND hay USD sẽ có lợi hơn?

Nếu trong ngắn hạn, người dân đang có nhu cầu cho con đi du học, đi khám chữa bệnh…, thì tạm thời giữ ngoại tệ. Nhưng nếu không có nhu cầu, thì bán ngoại tệ lấy VND gửi tiết kiệm sẽ có lời hơn. Cụ thể, nếu gửi 2 tỷ đồng ở ngân hàng thì mỗi tháng khách hàng nhận được hơn 10 triệu đồng và cả năm là khoảng 130 triệu đồng. Trong khi đó, nếu giữ USD từ đầu năm đến giờ mà bán thì chỉ lời vài chục triệu đồng.

Người dân không nên để yếu tố tâm lý áp đảo. Nhiều người lo ngại sẽ không có ngoại tệ nên đổ xô đi mua, tạo cơ hội cho giới đầu cơ tung tin nhằm hưởng lợi, giá ở thị trường chợ đen bị đẩy lên cao…

Tin liên quan
Tin khác