Ngân hàng
Nghịch lý lãi suất và chuyện “ăn đong” kỳ hạn
Thùy Liên - 29/03/2017 08:26
Hàng loạt ngân hàng đang có những động thái rất khó hiểu: một mặt dồn dập phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, mặt khác lại công bố giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân thực ra rất đơn giản: ngân hàng không thiếu tiền, nhưng cân đối kỳ hạn lại đang bị lệch pha.

Không có chuyện đua lãi suất

Ngay đầu tuần này, Ngân hàng LienVietPostBank công bố giảm 0,1-0,4% lãi suất huy động, áp dụng với nhiều kỳ hạn. Trước đó, 6 ngân hàng khác là VIB, VPBank, Maritime Bank, Viet Capital Bank, Viet Bank, DongA Bank cũng đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động, áp dụng từ kỳ hạn 1 tháng cho tới kỳ hạn 36 tháng.

Động thái trên của các ngân hàng gây bất ngờ, bởi trước đó, nhiều ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất từ 8,8% đến 9,2%/năm. Lãi suất tăng, giảm trái chiều được đưa ra cùng lúc khiến người gửi tiền bối rối.

.

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, hiện nay, huy động vốn theo hình thức chứng chỉ tiền gửi của VIB chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 5%. Chính vì vậy, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất ưu đãi hầu như không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung của toàn hệ thống.

Cũng theo ông Trung, việc một số ngân hàng phát hành lãi chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao không thể dẫn tới một “cuộc đua” tăng lãi suất huy động giống như thời gian trước, bởi “gốc” của đua lãi suất huy động là thanh khoản. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống dồi dào, nên việc chạy đua lãi suất không xảy ra. Đơn cử, tại VIB, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) chỉ ở mức 70%, còn cách xa quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Việc một số ngân hàng phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao chỉ đơn giản là để cơ cấu lại kỳ hạn”, ông Trung nói.   

Các chuyên gia nghiên cứu cũng khẳng định, một số ngân hàng tăng lãi suất những tháng đầu năm chỉ diễn ra ở một số ngân hàng và ở một số kỳ hạn, không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung. Nhận định này trùng với con số thống kê của NHNN về mặt bằng lãi suất quý I/2017.

Đại diện NHNN cho hay, hiện không có áp lực nào để ngân hàng chạy đua tăng lãi suất, thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn giữ ổn định. NHNN cho rằng, việc một số ngân hàng tăng, giảm lãi suất thời gian qua là bình thường bởi tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường từng thời điểm. Theo đó, do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường.

 Muốn phá “lệch pha” kỳ hạn

 Theo phân tích của vị lãnh đạo này, hiện nay, người gửi tiền vẫn có thói quen gửi tiền dưới 12 tháng, phổ biến nhất là kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Lượng tiền gửi kỳ hạn ngắn của nhiều ngân hàng chiếm từ 70 đến 80%. Trong khi đó, các ngân hàng lại “khát” cho vay trung, dài hạn (trên 1 năm). Hiện nay, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng xoay quanh mức 38- 40%. Chỉ cần so sánh hai con số này, có thể thấy các ngân hàng đang bị mất cân đối về kỳ hạn.

Trước đây, các ngân hàng được phép sử dụng 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, song theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, con số này đã bị siết về còn 50% bắt đầu từ năm nay và giảm còn 40% từ đầu năm 2018. Như vậy, nhu cầu vốn trung, dài hạn của các ngân hàng thời gian tới sẽ tăng mạnh, trong khi vốn ngắn hạn có nguy cơ sẽ bị dư thừa.

Trong bối cảnh đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi chính là một sáng kiến của các ngân hàng để làm thay đổi hành vi gửi tiền của người dân, đồng thời giúp ngân hàng tăng nguồn tiền gửi kỳ hạn trung, dài hạn hơn nữa trong tổng cơ cấu tiền gửi. Tất nhiên, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi này của các ngân hàng đã được NHNN gật đầu, trên cơ sở không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung của toàn hệ thống, bởi mục tiêu mà NHNN đặt ra năm nay vẫn là ổn định lãi suất.

Nhận định về xu hướng lãi suất huy động thời gian tới, ông Lê Quang Trung cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn không tăng, riêng lãi suất huy động trung, dài hạn sẽ duy trì ở mức khá cao như hiện nay, bởi áp lực của Thông tư 06 là có thật. Đương nhiên, các ngân hàng cũng sẽ không dám dâng lãi suất huy động quá cao.

“Theo quan điểm của tôi, do khách hàng có thói quen gửi tiền kỳ hạn dưới 12 tháng nên đây là dịp để các ngân hàng tung ra các sản phẩm huy động trung, dài hạn có lãi suất hấp dẫn để khách hàng làm quen, dần dần thay đổi hành vi gửi tiền của khách hàng. Mức lãi suất cao hay thấp tùy khẩu vị rủi ro, tài sản nợ, tài sản có của từng ngân hàng, song chắc chắn các ngân hàng không thể dâng lãi suất huy động quá cao bởi khi đó sẽ khó tìm và giữ được khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh cho vay vô cùng khốc liệt”.

 
Tin liên quan
Tin khác