Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng tại các thị trường truyền thống. |
Đây sẽ là những tín hiệu khá tích cực cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.
Cụ thể, sau khi Philippines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty Philippines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng xin mua gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Philippines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.
Tuy việc xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ dễ dàng hơn, nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch; tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu lúa gạo cả năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn với giá trị 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017. Tính chung cả năm 2018, giá lúa gạo diễn biến tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu với giá lúa thường IR50404 tăng từ 200 - 300 đồng/kg, đạt mức phổ biến từ 5.400 - 5.500 đ/kg, tháng 11 đạt mức cao nhất trong năm là 5.600 - 5.700đ/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 300 4 00đ/kg, đạt mức phổ biến 5.700 đ/kg