Tiêu dùng
Dư địa lớn cho hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ
Hải Yến - 24/11/2024 08:21
Các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam có nhiều dư địa để tăng tốc xuất khẩu sang Mỹ, nhưng cần chú ý tiêu chuẩn kỹ thuật, chính sách bảo hộ, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Đường xuất khẩu rộng mở

Những thay đổi về chính sách thương mại của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Trump tới đây sẽ không đến mức “cản đường” các nhà xuất khẩu Việt Nam, trái lại, cơ hội xuất khẩu vẫn rất rộng mở với các ngành hàng chủ chốt như điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, nông thủy sản, sắt thép… Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các ngành hàng cần chú ý tìm hiểu kỹ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định cụ thể để có sự chuẩn bị kịp thời, không bị động.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp…, song cơ hội xuất khẩu vào Mỹ của thủy sản Việt Nam vẫn rất lớn, bởi nhu cầu về sản phẩm này của thị trường Mỹ luôn ở mức cao và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, khẳng định được uy tín với khách hàng.

Những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ 5 năm qua bình quân đạt 1,5 - 2,1 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, Mỹ còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Năm cao điểm 2022, Mỹ nhập từ Việt Nam 17,4 tỷ USD hàng dệt may. Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường này, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) lưu ý các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của Mỹ về cấm sử dụng bông Tân Cương để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu sản phẩm.

Chia sẻ về cơ hội của hàng Việt tại thị trường Mỹ, ông Dick Grove, CEO Công ty INK Inc Public Relations cho biết, nước Mỹ có trên 340 triệu dân, sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn.

Nhận định về tương lai hợp tác Việt - Mỹ, tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững tổ chức mới đây, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đánh giá, có nhiều thuận lợi để quan hệ hợp tác phát triển hơn nữa, nhờ sự hỗ trợ tích cực trong ngoại giao, vốn là nền tảng cho sự hợp tác lâu dài của hai quốc gia. Việt Nam đang tích cực tạo môi trường kinh doanh tin cậy và mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ. Nước Mỹ cũng coi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn trong số các nước châu Á, cho thấy sự hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới và thị trường Mỹ.

Linh hoạt thích ứng

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá, các chính sách kinh tế mới của Mỹ sẽ tác động mạnh tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam là một “mắt xích” trong chuỗi, nên dù ít, dù nhiều cũng chịu tác động.

Ông Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (New York, Mỹ) nhận định, thời gian tới, sẽ có sự điều chỉnh chính sách lớn tại Mỹ, vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức để ý đến vấn đề thuế, xuất xứ hàng hóa và bảo hộ thương mại để có sự chuẩn bị và thích ứng kịp thời.

Những thách thức được dự báo là chính sách thuế chặt chẽ hơn, hàng rào thương mại gia tăng và một số mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, pin năng lượng mặt trời… cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ứng phó với các rào cản thương mại.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ rất nhỏ, nhưng vẫn bị rơi vào “vòng xoáy” kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế.

Phạm vi sản phẩm bị điều tra tại Mỹ ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập… Để theo các vụ kiện này, các doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và công sức, tiền bạc.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, hay “lấy lại việc làm cho người Mỹ” của tân Tổng thống Mỹ trong thời gian sắp tới, việc bảo hộ hàng sản xuất tại Mỹ sẽ gia tăng. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thiếp lập và các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ nhiều hơn.

Vì vậy, hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt nên tự chủ nguyên liệu và hướng đến xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, ông Hưng khuyến nghị doanh nghiệp tránh xuất khẩu mặt hàng nào đó vào Mỹ quá ồ ạt, vì những ngành có thể bị tác động xấu, nguy cơ bị kiện phòng vệ cao chính là các ngành có xuất khẩu tăng đột biến.

Tin liên quan
Tin khác