Quê hương của nhiều loại đặc sản nổi tiếng
Sóc Trăng là quê hương của nhiều mặt hàng nông sản nổi tiếng, tạo nên thương hiệu cho địa phương, như hành tím Vĩnh Châu, các loại gạo ST thơm ngon, tôm nước lợ... có giá trị xuất khẩu cao, được nhiều người ưa chuộng. Các mặt hàng này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng mỗi năm trên 600 triệu USD, chiếm trên 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả, với giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản năm 2016 ước đạt bình quân 141 triệu đồng/ha.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng. Ảnh: Nguyễn Trung |
Đối với cây lúa, tỉnh đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (đặc biệt nhóm giống lúa ST); diện tích lúa đặc sản ngày càng mở rộng, đến năm 2016 đạt 148.463 ha, chiếm 41,5% diện tích gieo trồng lúa trên toàn tỉnh với năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn hàng năm.
Sóc Trăng còn là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái khá lớn, với tổng diện tích gần 29.000 ha, sản lượng trên 198.000 tấn/năm. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tiếp tục đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả, từng bước hình thành vườn cây ăn trái tập trung như huyện Kế Sách (bưởi da xanh, cam sành, vú sữa), Mỹ Tú (cam sành), thị xã Ngã Năm (mãng cầu gai), Vĩnh Châu (nhãn xuồng cơm vàng), mô hình thâm canh xoài Đài Loan (huyện Cù Lao Dung)... Nhìn chung, cây ăn trái phát triển khá ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhà vườn với nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao (bưởi, cam sành).
Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là “vương quốc” của hành tím. Hành tím là loại cây màu đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được bà con nông dân canh tác qua nhiều đời, chủ yếu tập trung ở thị xã Vĩnh Châu, với diện tích trên 7.400 ha, sản lượng 138.500 tấn/năm, được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP. Ngoài tiêu thụ trong nước, từ nhiều năm qua, củ hành tím Sóc Trăng đã có mặt tại thị trường nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia...
. |
Bên cạnh đó, Sóc Trăng hiện là tỉnh có diện tích trồng mía lớn trong cả nước, tập trung ở huyện Cù Lao Dung, Mỹ Tú. Niên vụ mía 2016, diện tích xuống giống là 9.547 ha, với sản lượng mía đạt 883.040 tấn.
Nằm ở hạ lưu sông Hậu, với 3 nhánh sông lớn đổ ra biển Đông là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh và 72 km bờ biển, mỗi năm lượng phù sa bồi đắp nên các bãi bồi ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Sóc Trăng trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 69.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 47.730 ha, nuôi thủy sản nước ngọt là 20.490 ha, thủy sản khác 1.034 ha. Sản lượng nuôi thủy sản năm 2016 của Sóc Trăng đạt 237.122 tấn.
Sóc Trăng là một trong những địa phương có quy mô nuôi tôm công nghiệp lớn nhất nước, với sản lượng khoảng 111.000 tấn/năm. Tỉnh đã triển khai thực hiện một số mô hình có hiệu quả cao, như nuôi tôm lúa (huyện Mỹ Xuyên), nuôi tôm 2 giai đoạn (thị xã Vĩnh Châu)... Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đang triển khai dự án nuôi siêu thâm canh trong nhà kín (huyện Trần Đề).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, heo, bò, gia cầm là những vật nuôi chủ lực của tỉnh. Ngành chăn nuôi của tỉnh ngày càng phát triển về quy mô và số lượng. Đặc biệt, số lượng đàn bò tăng khá nhanh, nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa.
Đến cuối năm 2016, đàn bò của tỉnh có 43.633 con, trong đó có 9.905 con bò sữa, cho sản lượng 12.235 tấn sữa, được tiêu thụ thông qua hợp đồng với Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), với sản lượng thu mua tổng cộng 30,9 tấn/ngày, đảm bảo đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi bò sữa.
Tỉnh đang xây dựng Dự án Phát triển đàn bò thịt giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng xã hội hóa, đồng thời chuyển một số diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, trồng nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi bò.
Thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, các dự án đầu tư vào nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng còn ít, do kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu; đất đai manh mún, sản xuất theo từng nông hộ nhỏ lẻ... Do đó, khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư theo chuỗi giá trị.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2016, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 848,390 tỷ đồng, tập trung chủ yếu thực hiện các dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện các công trình thủy lợi...
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng tiến hành tổ chức, rà soát lại sản xuất theo hướng tập trung các nông sản chủ lực của tỉnh để tập trung đầu tư. Đẩy mạnh thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực, như đối với cây lúa, tiếp tục triển khai Đề án Lúa đặc sản, cánh đồng lớn; trong chăn nuôi, tập trung phát triển bò thịt, bò sữa…
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Sóc Trăng kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khâu giống, phát triển nguồn nguyên liệu, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh đang mời gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời.
Sóc Trăng là một trong những địa phương ở Việt Nam có số giờ nắng nhiều và mật độ năng lượng bức xạ cao trong ngày, nên có lợi thế trong đầu tư phát triển điện mặt trời. Việc kết hợp sản xuất năng lượng mặt trời và nông nghiệp trên cùng diện tích đất là hướng đi đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt. Với diện tích đất lớn tại các khu nông nghiệp công nghệ cao được lắp đặt tấm năng lượng điện mặt trời có thể tận dụng để xây dựng nhà lưới, nhà kính ươm trồng hoa, rau sạch và an toàn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự kết hợp này sẽ làm giảm khá nhiều chi phí đầu tư nhà lưới, tận dụng nguồn điện giá rẻ và cơ sở vật chất khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp đến Sóc Trăng khảo sát và đề xuất đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời bởi nhận thấy tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực này.
Trong số đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh đăng ký đầu tư Dự án Trang trại điện sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Sóc Trăng để sản xuất điện xanh, kết nối với lưới điện quốc gia và cung cấp nông sản sạch cho thị trường trong tỉnh, TP.HCM và xuất khẩu.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án có diện tích đất 1.000 ha, tổng công suất điện dự kiến trên 500 MW, được phân kỳ làm 2 giai đoạn, thực hiện trong thời gian 4 năm.