Ngân hàng - Bảo hiểm
Đủ điều kiện giảm lãi suất cho vay xuống 10%/năm
Mạnh Bôn - 03/05/2013 06:48
Tính toán trên nhiều góc độ, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hiện đã hội tụ đủ điều kiện để giảm lãi suất huy động về mức 7%/năm và lãi suất cho vay về mức 10%/năm mà không ảnh hưởng tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
TIN LIÊN QUAN
TS. Vũ Viết Ngoạn

Thưa ông, muốn triển khai mạnh mẽ hơn nữa Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, có cần thiết phải tiếp tục hạ lãi suất cả huy động lẫn cho vay?

Nghị quyết 02/NQ-CP đưa ra các giải pháp nhằm vào 3 đối tượng chính là hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Sau 4 tháng triển khai, Nghị quyết 02/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, như kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, thị trường dần phục hồi, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối được cải thiện, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, mặt bằng lãi suất đang trong xu hướng giảm, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ…

Nhưng nếu đánh giá kỹ hơn cả mặt được lẫn chưa được, có thể dự báo, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% thì cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó giảm mặt bằng lãi suất phải thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Song cả lãi suất huy động lẫn cho vay đã giảm liên tục trong nhiều tháng trở lại đây, thưa ông?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung thì vẫn là do sức cầu của nền kinh tế quá yếu.

Muốn tăng sức cầu, thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường về phía Chính phủ chỉ có 2 công cụ là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Với chính sách tài khóa, muốn kích cầu, Chính phủ hoặc tăng đầu tư công, chi tiêu công làm đầu tàu kéo các thành phần kinh tế tăng đầu tư; hoặc miễn, giảm, gia hạn thuế cũng như các khoản đóng góp vào ngân sách để doanh nghiệp tập trung vốn vào sản xuất.

Chính phủ cũng có thể thực hiện cả 2 giải pháp này với liều lượng thích hợp. Song dù thực hiện theo phương án nào thì trên thực tế, Chính phủ không còn nhiều dư địa, vì trong chính sách tài khóa, chi tiêu công có hạn, thậm chí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và trái phiếu chính phủ năm nay chỉ có 175.000 tỷ đồng, giảm so với mức đầu tư 180.000 tỷ đồng của năm 2012.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản đóng góp của doanh nghiệp cũng không thể “mạnh tay” hơn vì ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, bảo đảm bội chi và nợ công.

Như vậy, muốn kích cầu đầu tư, phát triển sản xuất, chỉ còn công cụ duy nhất là chính sách tiền tệ. Tôi cho rằng, trách nhiệm của chính sách tiền tệ trong năm nay là hết sức nặng nề. Vấn đề đặt ra là, lãi suất huy động và cho vay giảm với liều lượng thế nào để kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất.

Theo ông, lãi suất giảm về mức độ nào là hợp lý?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,41% - mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Qua theo dõi của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong vòng 10 năm trở lại đây, thì CPI 4 tháng đầu năm thường bằng 50% CPI của cả năm. Năm nay, các yếu tố gây áp lực lên lạm phát, như cầu kéo hay chi phí đẩy rất yếu, do tổng cầu thấp và giá cả nguyên, nhiên, vật liệu là đầu vào của nền kinh tế trên thị trường quốc tế không tăng, thậm chí giảm, nên vì thế, nếu không có sự can thiệp chủ quan, như điều chỉnh giá than, điện, dịch vụ y tế, giáo dục, tỷ giá… thì lạm phát năm nay chỉ dao động từ 4,5% đến 5%.

Nếu lạm phát năm nay giữ được ở mức trên hoặc cao hơn một chút, thì có cơ sở giảm lãi suất huy động, mà vẫn bảo đảm lãi suất thực dương. Lãi suất huy động giảm sẽ có cơ sở để giảm lãi suất cho vay về 10%/năm, thậm chí một số lĩnh vực cần ưu tiên, hỗ trợ như nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu… có thể áp dụng mức lãi suất thấp hơn nữa.

Giảm lãi suất đến đâu là câu hỏi rất khó, bởi phải xử lý nhiều bài toán, chứ không đơn giản là giảm chi phí cho doanh nghiệp, thưa ông?

Nhưng tựu trung vẫn phải trả lời 3 câu hỏi. Một là, giảm lãi suất có ảnh hưởng đến việc người dân rút tiền gửi ngân hàng, tạo áp lực lên tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng không? Hai là, giảm lãi suất có ảnh hưởng đến tỷ giá do người dân rút VND để mua ngoại tệ không? Ba là, giảm lãi suất có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng không?

Trên cơ sở tính toán, phân tích nhiều yếu tố, tôi cho rằng, có cơ sở để giảm lãi suất xuống nữa. Đây là thời điểm thuận lợi để giảm lãi suất, vì giảm lãi suất không ảnh hưởng đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, lo ngại người dân rút tiền gửi tiết kiệm hầu như không có vì lãi suất vẫn thực dương.

Giảm lãi suất cũng không tác động đến tỷ giá do nguồn dự trữ ngoại tệ của chúng ta hiện đủ lớn để can thiệp thị trường ngoại tệ và giảm lãi suất cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng, vì chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện vẫn khá lớn.

Tin liên quan
Tin khác