Thời sự
Dự kiến bố trí 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020
Hữu Tuấn - 20/10/2016 19:05
Chiều ngày 20/10, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tài chính 5 năm tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Về cơ bản, Ủy ban TCNS thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 5 năm 2011-2015. Trên cơ sở báo cáo và qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS nhận thấy, trong 5 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách về tài chính – NSNN tiếp tục được hoàn thiện, nhờ đó vừa động viên nguồn lực, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Việc quản lý NSNN có nhiều tiến bộ, từng bước cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước. Công tác quản lý tài sản công có nhiều đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban TCNS nhận thấy có một số vấn đề nổi lên cần rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính về chính sách thu và tỷ lệ huy động, về việc sửa đổi một số luật thuế chưa bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý; về chi NSNN; về chi đầu tư phát triển; về chi thường xuyên; về bội chi NSNN; về huy động vốn cho đầu tư...

Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội- ông Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tài chính 5 năm tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Góp ý cho kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2016-2020, Ủy ban TCNS cho rằng, về mục tiêu tổng quát, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung yêu cầu: “cơ cấu lại thu, chi NSNN và nợ công nhằm sử dụng NSNN hiệu quả và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô” để làm rõ hơn mục tiêu tổng quát Kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia.

Về tỷ lệ động viên, theo báo cáo của Chính phủ, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21%. Ủy ban TCNS cho rằng, việc xây dựng tỷ lệ này còn ở mức thấp, chưa thể hiện sự phấn đấu tích cực trong quá trình triển khai. Đề nghị Chính phủ đặt mục tiêu về tỷ lệ huy động bình quân so GDP nhất quán với định hướng kế hoạch đã đặt ra (khoảng 23,5-24%/GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 21,5-22%/GDP).

Về cơ cấu thu, Chính phủ xây dựng quy mô thu NSNN tăng gấp 1,65 lần so với giai đoạn trước. Tăng tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN, phấn đấu tăng từ 67,8%  giai đoạn trước lên mức khoảng 87-88% vào cuối giai đoạn.

Về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu thu NSNN theo hướng tăng thu từ nội địa nền kinh tế, giảm thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu là hợp lý, tạo sự ổn định, bền vững nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 20%/năm là khá cao (so với giai đoạn trước 15%), đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, những yếu tố thúc đẩy sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Đồng thời, việc xây dựng quy mô thu NSNN tăng như Chính phủ trình là khá cao so với mức tăng quy mô của GDP, tiềm ẩn rủi ro về khả năng thu NSNN. Vì vậy, để đảm bảo dự toán thu NSNN khả thi hơn, Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh dự toán khi có biến động của kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến việc thực hiện dự toán thu và một số chỉ tiêu kinh tế - tài chính khác.

 Về cơ cấu chi ngân sách, Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi NSNN theo hướng: tăng dần tỷ trọng chi ĐTPT lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020.

Về vấn đề này, Ủy ban TCNS cho rằng, nhìn chung trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách của nước ta hiện nay là ngân sách tiêu dùng, nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. Đầu tư phát triển từ nguồn NSNN chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành TPCP và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn. Do quy mô nền kinh tế còn nhỏ, dẫn đến quy mô thu NSNN còn thấp, nên việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp với xu hướng cơ cấu lại NSNN đã đề ra. Do đó, đa số ý kiến tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc dự kiến bố trí tổng chi ĐTPT khoảng 2 triệu tỷ đồng (phân bổ tối đa 1,8 triệu tỷ đồng, còn lại dự phòng 10%), chiếm 25-26% tổng chi NSNN, chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu NSNN hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo từng năm.

Ngoài ra, Ủy ban TCNS nhận thấy, chi đầu tư phát triển của NSTW là 1,120 triệu tỷ đồng, chiếm 56% tổng số vốn đầu tư từ nguồn NSNN. Điều này cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện, việc giữ vai trò chủ đạo của NSTW cần được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần của khoản 2 Điều 55 Hiến pháp năm 2013: Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, trong đó ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm nhiệm vụ chi của quốc gia. Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”, đồng thời, phải bảo đảm tỷ lệ hỗ trợ có mục tiêu của NSTW cho ngân sách địa phương không quá 30% tổng chi đầu tư phát triển của NSTW hàng năm (theo Điều 40 của Luật NSNN năm 2015), do đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Về điều chỉnh tiền lương, Ủy ban TCNS cũng cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng, gắn với yêu cầu kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; điều chỉnh tiền lương theo lộ trình đã được đề ra. Trong điều hành, căn cứ khả năng thu, đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng cao hơn theo lộ trình.

Có ý kiến cho rằng, giai đoạn 2011-2015, chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, do vậy, đề nghị giai đoạn 2016-2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế.

 Về bội chi NSNN, Chính phủ xây dựng mức bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4%GDP (bình quân cả giai đoạn không quá 3,9%GDP) tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015. Đây là mức bội chi hợp lý, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và nguồn lực để đầu tư phát triển. Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án Chính phủ trình. Có ý kiến đề nghị để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, tỷ lệ bội chi bình quân cả giai đoạn nên giảm xuống ở mức dưới 3,8%GDP.

Tin liên quan
Tin khác