Sản xuất điện thoại di động tại Nhà máy VinSmart (Hải Phòng). Ảnh: Đức Thanh |
Tăng trưởng 6% là khiêm tốn
Bình luận về tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% của năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, mức tăng này là rất khiêm tốn.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), nền kinh tế Việt Nam năm nay như chiếc lò xo bị nén lại, lực nén lớn nhất rơi vào quý II (tăng trưởng 0,39% - thấp kỷ lục), nhưng sang quý III đã có sự khởi sắc mạnh mẽ khi GDP tăng trưởng 2,62% và đến tháng 10, tình hình càng ngày càng thấy sáng sủa hơn.
“Covid-19 được kiểm soát rất hiệu quả là nhân tố vô cùng quan trọng, là nền tảng vững chắc để các lĩnh vực của nền kinh tế bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc khi tăng 3,6%, thay vì tăng 2,3% và 3,5% của 2 tháng trước đó”, ông Hùng nói.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý IV năm nay khởi sắc hơn, theo ông Hùng, còn được thể hiện qua con số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Cụ thể, trong tháng 10 có thêm 12.200 doanh nghiệp thành lập mới và 5.044 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng tương ứng 18,4% và 10,4% so với tháng trước. Với đà tăng trưởng này, ông Hùng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn đạt trên 2% và đây chính là cơ sở để tin rằng, năm 2021, GDP có khả năng tăng cao hơn nhiều chỉ tiêu 6%.
“Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bứt phá, cần phải có thời gian và phụ thuộc vào tình hình Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Có thể phải sang năm 2022 hoặc 2023, kinh tế Việt Nam mới bứt phá”, ông Hùng dự báo.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, kinh tế thế giới hiện nay và trong tương lai không chỉ bất ổn, mà rất bất định, khó lường và rất khó dự báo. Ngoài Covid-19, còn rất nhiều yếu tố khác chi phối đến kinh tế thế giới, như chiến tranh thương mại, chủ nghĩa dân túy, xu hướng bảo hộ mậu dịch, bất ổn cục bộ tại nhiều nơi trên thế giới và sự thay đổi về chính trị. Với độ mở của nền kinh tế gấp 2 lần quy mô GDP, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn khi kinh tế thế giới gặp khó khăn. Vì vậy, ông Thành dự báo, ít nhất phải từ năm 2022, kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc trở lại như trước khi xảy ra dịch bệnh, song dự kiến tăng trưởng năm 2021 xoay quanh mức 6% là khá khiêm tốn.
Chống dịch vẫn phải là ưu tiên số 1
PGS-TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công (Học viện Tài chính) nhận định, kinh tế thế giới sẽ khó khăn ít nhất đến hết năm 2024, nhưng dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 xoay quanh mức 6% là quá thận trọng.
“Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% vào năm tới được xây dựng khi kết thúc quý III, trước khí thế phấn khởi khi mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt đầu vào guồng và dự kiến năm nay tăng trưởng 3%. Nhưng từ đầu tháng 10 trở lại đây, các tỉnh miền Trung liên tiếp hứng chịu mưa bão, lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, khiến mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh miền Trung bị đình đốn, hàng loạt hạ tầng kinh tế, xã hội bị phá hủy, xuống cấp; các công trình xây dựng dân dụng cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự, nên năm nay khó lòng đạt tốc độ tăng trưởng 3%. Như vậy, quy mô nền kinh tế năm nay đạt thấp hơn dự kiến. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 so với năm 2020, mà năm 2020 đạt thấp, thì tốc độ tăng trưởng năm 2021 phải cao hơn nhiều”, ông Cường phân tích.
-Ông Võ Trí Thành, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng
Quốc hội có thể thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6% hoặc cao hơn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này không quan trọng bằng việc phải khống chế được Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, phát triển kinh tế nhanh sau một năm chững lại là cần thiết, nhưng phải coi chống dịch là nhiệm vụ số 1. Cụ thể, phải tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo ông Thành, trong 10 năm qua, mô hình kinh tế của thế giới đã có sự thay đổi nhanh chóng và Covid-19 là tác nhân đẩy nhanh hơn tiến trình thay đổi mô hình. Và Covid-19 cũng chính là cơ hội để Việt Nam xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong tương lai. Đây là điều quan trọng nhất, chứ không phải năm tới tăng trưởng bao nhiêu, năm sau nữa tăng trưởng bao nhiêu…
“Trước Covid-19, kinh tế thế giới phải đối phó với 5 sự thay đổi lớn và dịch bệnh tạo động lực để các thay đổi này diễn ra nhanh hơn. Thứ nhất, xung đột địa chính trị, xung đột giữa các nước đã, đang và tiếp tục diễn ra trong dài hạn. Thứ hai, tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng làm thay đổi hoạt động sản xuất cũng như rất nhiều vấn đề của xã hội nảy sinh. Thứ ba, sự phát triển của công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Thứ tư, biến đổi khí hậu ngày càng mạnh, dẫn đến thiên tai, mưa bão, lũ lụt, hạn hán. Thứ năm, cùng với sự phát triển của hội nhập kinh tế, thương mại, đầu tư, thì chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân túy cũng trỗi dậy”, ông Thành phân tích.
Theo ông Thành, 5 thay đổi trên hoàn toàn không phải tiêu cực, mà nếu biết tận dụng thì lại là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Cụ thể, dù ai làm chủ Nhà Trắng thì cuộc cạnh tranh về thương mại, đầu tư, kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng sẽ “quyết chơi đến cùng”. Đây là cơ hội để Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Biến đổi khí hậu buộc các nền kinh tế lớn và cả Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi lại nguồn năng lượng mới, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào thủy điện, nhiệt điện, thì đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo.