Du khách tham quan vườn bưởi nhà ông Trịnh Sơn Nam, thôn Quán Thanh (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) Ảnh: Hồ Hạ |
Tiềm năng du lịch nông thôn nổi bật
Để “đánh thức” tiềm năng của xã nông thôn mới kiểu mẫu Chi Lăng, ngày 10/10/2023, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại xã Chi Lăng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, Kế hoạch đặt mục tiêu phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương nhằm đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững; tạo ra các sản phẩm du lịch nông thôn, đặc biệt là du lịch nông nghiệp theo tiêu chuẩn công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và tham quan của du khách; tạo điều kiện để người nông dân nâng cao thu nhập từ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, Chương trình đặt mục tiêu thu hút sự quan tâm hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn đã phối hợp với các chuyên gia của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) biên soạn bộ tài liệu về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Chi Lăng. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về du lịch nông thôn, giúp người dân có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong phục vụ khách du lịch.
Đầu tháng 11/2023, Trung tâm phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chi Lăng và UBND xã Chi Lăng tổ chức đoàn famtrip trải nghiệm du lịch nông thôn tại địa phương. Các đại biểu đã khảo sát nhiều điểm di tích lịch sử, vườn cây ăn quả nổi bật tại đây như: Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng, thuộc Khu di tích lịch sử Chi Lăng - được ví như bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới; đền Quan Trấn Ải (còn gọi là Đền Quỷ Môn) - ngôi đền nổi tiếng linh thiêng đã có trên 600 năm tuổi; đền thờ Chi Lăng; núi Mặt Quỷ; ải Chi Lăng; núi Mã Yên; con đường đi bộ nông thôn mới dọc sông Thương, cũng chính là đường Cái quan xưa, nơi các quan triều đình đi sứ phương Bắc…
Để du lịch nông nghiệp sớm cất cánh
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vi Quang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chi Lăng lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020 - 2025 nêu rõ: “Đẩy mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch; khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong phát triển du lịch, dịch vụ; gắn phát triển du lịch với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Từ năm 2022 đến nay, huyện đã đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh (đền Chầu Năm - Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - đền Quỷ Môn - đền Chầu Bát - miếu Cô Chín - đền Chầu Mười) và tuyến du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái trải nghiệm (Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng - Lũy Ải - đền Quỷ môn - ải Chi Lăng - núi Mặt Quỷ - khu vực trồng sản phẩm nông nghiệp an toàn ở xã Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ). Nhiều hộ gia đình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP ở Chi Lăng đã tham gia mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp.
Tại buổi tọa đàm “Quảng bá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” tổ chức đầu tháng 11/2023, các doanh nghiệp đánh giá, Chi Lăng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Những tour du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh với những điểm đến trong hệ thống di tích quốc gia là hướng đi triển vọng để các doanh nghiệp khai thác các tour, tuyến du lịch độc đáo, thu hút du khách.
Bà Lê Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và truyền thông Đại Dương cho biết, các vườn na, vườn bưởi, vườn ổi ở khu vực núi đá xã Chi Lăng có khung cảnh hữu tình và cách khai thác độc đáo của người bản địa có sức hút với du khách. Khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, các tour sẽ kết hợp với nhiều điểm đến hấp dẫn để du khách vừa được tham quan, trải nghiệm, vừa được thưởng thức các đặc sản, hái trái cây tại vườn và mua về làm quà.
“Tuy nhiên, muốn du lịch nông nghiệp sớm cất cánh, xã Chi Lăng cần đầu tư thêm cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Bên cạnh đó, địa phương nên đưa du khách vào những vườn mẫu để họ được trải nghiệm làm nông nghiệp...”, bà Vân Anh gợi mở.
Về định hướng phát triển du lịch nông thôn tại Chi Lăng, ông Vi Quang Trung cho biết, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân; lựa chọn những điểm phù hợp để tạo điểm nhấn và quan tâm đến thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng cho du lịch nông thôn…
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và sự nhập cuộc mạnh mẽ của người dân, tin rằng du lịch nông nghiệp xã Chi Lăng sẽ sớm cất cánh và trở sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách đến với huyện Chi Lăng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung.