Lựa chọn hướng đi riêng
Năm 2016, lượng du khách đến Đà Nẵng đạt 5,5 triệu lượt. Trong 9 tháng đầu năm 2017, con số này là hơn 5 triệu lượt, trong đó hơn 1,7 triệu lượt khách quốc tế. Số liệu này đã phần nào phác họa vị thế của du lịch Đà Nẵng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Chiến lược của Đà Nẵng là xây dựng Thành phố trở thành thành phố du lịch - dịch vụ, vui chơi giải trí - nghỉ dưỡng - hội nghị, hội thảo, dựa trên thế mạnh cơ bản về vị trí địa lý - là trung tâm vùng, sở hữu những bãi biển đẹp thuộc vào top những bãi biển đẹp nhất thế giới.
Với lợi thế sở hữu những bãi biển đẹp, Đà Nẵng đã sớm được các nhà đầu tư lựa chọn để xây dựng các khu nghỉ dưỡng. |
Để thực hiện chiến lược này, từ hơn 10 năm trước, Đà Nẵng đã mạnh dạn áp dụng những cơ chế, chính sách hấp dẫn, mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào những công trình khu vui chơi giải trí lớn đẳng cấp quốc tế, mà điển hình là Sun World Bà Nà Hills, Sun World Danang Wonder (Công viên châu Á)…, hay mới đây là Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Núi Thần Tài.
Có thể nói, những khu vui chơi giải trí này đã tạo tiền đề để Đà Nẵng bứt phá, vươn lên trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Tuy vậy, nếu tài nguyên du lịch Đà Nẵng chỉ là những điểm đến vui chơi giải trí không thôi thì chắc chắn rằng, Đà Nẵng không thể nào có được vị thế của một thành phố “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” như hiện nay.
Với lợi thế sở hữu những bãi biển đẹp, Đà Nẵng đã sớm được các nhà đầu tư lựa chọn để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, mà tiên phong là khu nghỉ dưỡng 5 sao Furama Đà Nẵng. Từ Furama, hàng loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp liên tiếp được xây dựng dọc tuyến đường biển kéo dài từ Sơn Trà đến Non Nước như Premier Village, Pull Man, Hyatt Regency, Vinpearl, Crowne Plaza… đã tạo thành một chuỗi khu nghỉ dưỡng ven biển sầm uất nhất miền Trung.
Trong làn sóng đầu tư đó, đang tiếp tục xuất hiện những tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng giải trí mới tại Đà Nẵng, được đánh giá là tầm cỡ của khu vực như Cocobay, Ariyana… Tất cả đã góp phần đưa du lịch Đà Nẵng bứt tốc lên một tầm cao mới, cạnh tranh trực tiếp với những điểm đến hàng đầu châu Á như Hong Kong (Trung Quốc), Genting (Malaysia), Bali (Indonesia), Cebu (Philippines), Phuket (Thái Lan)…
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, toàn Thành phố có 617 cơ sở lưu trú, với 24.009 phòng. Hiện Thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD.
Theo số liệu của Savills Việt Nam, tính đến tháng 6/2017, Đà Nẵng có 86 khách sạn 3 đến 5 sao, với khoảng 9.400 phòng, công suất trung bình đạt 72%. Phân khúc khách sạn 5 sao tiếp tục dẫn đầu thị trường du lịch và Đà Nẵng duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đưa du lịch là trở thành ngành kinh tế chủ lực
Du lịch phát triển đã làm thay đổi diện mạo, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng đã có những tính toán trong việc thực hiện chính sách “thu hút đầu tư có chọn lọc”, ưu tiên những ngành “không khói”, ít tác động đến môi trường.
Đồng thời, Thành phố thực hiện điều chỉnh lại quy hoạch đô thị theo hướng “xanh, sạch, bền vững”, trong đó có việc nâng cấp mở rộng sân bay Đà Nẵng, di dời nhà ga đường sắt trung tâm, và xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế vai trò cảng vận tải hàng hóa của cảng Tiên Sa, đưa cảng Tiên Sa trở thành cảng thuần về du lịch...
Ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Văn phòng Savills Đà Nẵng đánh giá: “Du lịch liên tục phát triển, doanh số kinh doanh bất động sản ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy, Đà Nẵng là nơi sinh sống cũng như du lịch lý tưởng. Không phải không có lý do mà Đà Nẵng được coi là thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.
Cùng với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cho lĩnh vực du lịch, 9 tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn để thu hút du khách như các chương trình khai trương mùa du lịch biển năm 2017, Đại hội Du lịch Golf châu Á 2017, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017...
Đà Nẵng cũng xúc tiến các đường bay quốc tế mới từ những quốc gia là thị trường trọng điểm về du lịch; tổ chức các chuyến xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại các thành phố lớn trên thế giới như: Đài Bắc (Trung Quốc) và Osaka (Nhật Bản), Thái Lan…
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong định hướng tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tăng cường phát triển loại hình du lịch sự kiện, du lịch hội nghị, hội thảo (M.I.C.E) nhằm giải bài toán du lịch mùa vụ.
“Việc phát triển du lịch M.I.C.E góp phần tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng với các địa phương khác, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tăng doanh thu du lịch, do đây là thị trường du lịch cao cấp, có sức mua lớn gấp 6-8 lần so với du lịch thông thường”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết.
Dự kiến hết năm 2017, Đà Nẵng sẽ đạt con số 6,5 triệu lượt khách.
Nguồn: Sở Du lịch Đà Nẵng