Những ngày cuối tháng 03/2020, cùng với các chủ trương quyết liệt của Chính phủ để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, Ban lãnh đạo Công ty Du lịch dịch vụ Hội An cho biết, nguồn khách đến không còn khi nhân dân được khuyến cáo hạn chế đi lại, cùng hàng loạt các chủ trương về tạm ngưng kinh doanh, tạm ngưng đón khách.
Vì vậy, Công ty này đã tạm ngưng hoạt động đón khách, cắt giảm tất cả các khoản chi phí, tạm hoãn hợp đồng lao động với đại đa số nhân viên nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Tiến độ triển khai hợp đồng quản lý giữa dịch vụ Hội An và tập đoàn Melia (chuyển giao khách sạn Hội An cho tập đoàn Meliá quản lý-PV) cũng bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan.
Dù đã bàn giao cho tập đoàn nhưng công tác cải tạo, nâng cấp dự án vẫn chưa được triển khai, kế hoạch kinh doanh năm 2020 của khách sạn vẫn chưa được phê duyệt.
Những chiếc thuyền neo đậu chờ khách trên sông Hoài (Ảnh: Hoàng Anh). |
6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn mà các doanh nghiệp du lịch được gọi là “ngủ đông”.
Các hoạt động kinh doanh của Công ty này tạm dừng, doanh thu quý I/2020 giảm bằng 62 % cùng kỳ và dự kiến không ghi nhận doanh thu trong quý II.
Ban Tổng giám đốc Du lịch dịch vụ Hội An cho biết, họ “chấp nhận ngủ nhưng không được phép ngủ quên”.
Theo đó, tại các chi nhánh sẽ triển khai phương án lao động, tiền lương, thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, hướng dẫn người lao động hoàn thành thủ tục nghỉ việc tạm thời để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo phương án nhân sự của Công ty, ổn định tư tưởng người lao động.
Ngoài ra, sẽ triển khai giám sát quản lý tài chính, dòng tiền và tập trung thu hồi công nợ, đối chiếu và xác nhận nợ, giảm tối đa số dư nợ phải thu trong giai đoạn này.
Giám đốc chi nhánh được yêu cầu nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp tạm thời khai thác các đối tượng khách hàng nội địa, khách hàng nước ngoài về ngay sau mùa dịch.
Lãnh đạo Công ty này dự kiến dịch bệnh sẽ chấm dứt trong tháng 6 năm 2020.
Theo đó, việc đầu tiên cần xác định sau thời gian tạm ngưng kinh doanh, thị trường du lịch sẽ chưa thể bình ổn ngay trở lại, do nhiều nguyên nhân như tài chính, tâm lý e ngại... Thị trường nội địa chắc chắn chưa khôi phục do nhu cầu du lịch hầu như giảm mạnh, học sinh lại đến trường, tình trạng thất nghiệp nhiều.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều đồng loạt hoạt động lại, động thái tranh giành, chia sẻ thị phần khá gay gắt, các chính sách giảm giá , khuyến mãi ... sẽ vô cùng phức tạp.
Từ đó, Công ty này cần nhận định sẽ khó khăn hơn trong thời gian đầu và khá lâu mới bắt nhịp lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Theo kế hoạch, tháng 9/2020, công ty lại tiếp tục tạm ngưng đón khách tại khách sạn Hội An. Vì thế cơ hội kinh doanh của khách sạn Hội An xem như thất bại trong những tháng cuối năm 2020.
Trong tình hình trên, nhiệm vụ trọng tâm đơn vị này đặt ra phải luôn giữ uy tín, thương hiệu, để đảm bảo tồn tại và phục hồi nhanh sau đợt khủng hoảng.
Một số nhóm giải pháp được đưa ra như giữ quan hệ và duy trì tốt với các đối tác truyền thống, ổn định tư tưởng cho người lao động trong từng giai đoạn, bố trí sắp xếp nguồn nhân sự phù hợp, tiết kiệm chi phí,…
Kết quả kinh doanh của CTCP Du lịch dịch vụ Hội An năm 2018 và 2019. |
Tổng doanh thu hợp nhất trong năm 2019 của dịch vụ du lịch Hội An chỉ đạt hơn 183 tỷ đồng, thấp hơn 5,44% so với cùng kỳ.
Ban lãnh đạo Công ty đưa ra nguyên nhân do mức độ cạnh tranh trong ngành dịch vụ khách sạn ở Hội An là vô cùng gay gắt, hàng loạt các cơ sở lưu trú mới mở ở mọi phân khúc, làm thu hẹp thị phần của 3 khách sạn trong cùng hệ thống.
Giá vốn hàng bán được duy trì ổn định, không có nhiều biến động, nhưng biên lợi nhuận của doanh nghiệp này bị giảm sâu, gần 37% so với cùng kỳ, do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao mà cụ thể là chi phí tuyển dụng nhân viên quản lý phù hợp với các yêu cầu từ phía tập đoàn Melia.
Chịu sự tác động chung của thị trường và nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, Du lịch dịch vụ Hội An cũng không tránh khỏi ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động kinh doanh, đời sống người lao động và hiệu quả kinh doanh bị giảm sút, dự kiến thua lỗ ngay từ quý I/2020.
Mức độ cạnh tranh trong ngành du lịch dịch vụ lưu trú tại Hội An rất khắc nghiệt, khi đây là điểm đến ưa thích của mọi du khách cả trong và ngoài nước, dẫn đến các cơ sở lưu trú, khách sạn, resort,... liên tục xuất hiện với đa dạng về giá cả, kiểu cách, làm thu hẹp thị phần kinh doanh của các đơn vị như Du lịch dịch vụ Hội An.
Theo số liệu của Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hội An, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng hơn 717 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 11.745 phòng, tăng 22,6% so cùng kỳ.