Thời sự
Du lịch giảm sốc, lo cho tăng trưởng
Nguyên Đức - 31/05/2015 13:42
Sự sụt giảm khá mạnh lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam những tháng đầu năm nay làm dấy lên nỗi lo về những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2015.

Cũng bởi thế, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa diễn ra, các vấn đề liên quan đến sự sụt giảm của ngành du lịch, khiến dịch vụ - một trong ba trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế chững lại, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên Chính phủ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thậm chí đã có hẳn một bản đề xuất về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Chuyện du lịch sụt giảm bắt đầu được quan tâm từ tháng trước, khi số liệu thống kê cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm 12,2% so với cùng kỳ. Một tháng sau, tình hình thậm chí còn tệ hơn, khi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2015 chỉ đạt khoảng 576.900 lượt người, giảm 16,4% so với tháng trước đó và giảm 14,4% so với tháng 5/2014.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm, con số này chỉ đạt gần 3,3 triệu lượt khách, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ, chỉ ra là do khó khăn trong phát triển kinh tế và thu nhập của các nước giảm sút. Chưa kể, trong khu vực, diễn biến phức tạp trên Biển Đông cùng với việc phía Trung Quốc và Hồng Kông vẫn đưa ra các cảnh báo về an ninh, an toàn đối với khách du lịch đến Việt Nam… cũng gây tâm lý e ngại đối với du khách quốc tế.

Tất nhiên, đây là những lý do hoàn toàn xác đáng, song hãy đặt trong thế so sánh với Thái Lan. Năm ngoái, nước này thu hút 26 triệu lượt khách quốc tế, còn kế hoạch trong năm nay là 28 triệu lượt và khách du lịch quốc tế vẫn đến Thái Lan bất chấp những bất ổn chính trị ở quốc gia này. Như vậy, rất cần đặt câu hỏi về những yếu kém nội tại của ngành du lịch Việt Nam trước thực trạng nêu trên.

Có những nguyên nhân liên quan đến thủ tục nhập cảnh còn khó khăn và rườm rà của Việt Nam. Chẳng hạn, trong khi các nước trong khu vực đang rốt ráo thực hiện chính sách miễn visa hoặc giảm thủ tục nhập cảnh để cạnh tranh thu hút khách du lịch nước ngoài, thì Việt Nam dường như chưa có nhiều chuyển biến. Hiện Singapore đã miễn visa cho 158 quốc gia, Phillipines miễn cho 157 quốc gia. Tại Malaysia và Thái Lan, con số tương ứng là 155 và 66 quốc gia, trong khi Việt Nam mới chỉ miễn visa cho 16 quốc gia.

Rõ ràng và không thể không thừa nhận rằng, dù đã nỗ lực, nhưng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Việt Nam vẫn không đạt hiệu quả. Một cách trực quan, du lịch Việt Nam vẫn kém hẳn sự chuyên nghiệp so với ngay cả các quốc gia như Campuchia, chứ chưa nói đến Thái Lan, Trung Quốc, hay Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu - những thị trường du lịch mà những năm gần đây, du khách Việt Nam có xu hướng dốc hầu bao để tới. Sự phát triển một cách manh mún, tự phát, thiếu sự liên kết, thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, lại thêm tình trạng chặt chém, ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch…, đang kéo lùi sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Du lịch sụt giảm đã khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ - một trong ba trụ đỡ của nền kinh tế - chững lại. Khi ngành nông nghiệp cũng gặp khó - tức có tới 2 trong số 3 trụ cột của nền kinh tế tăng trưởng không khả quan - thì chắc chắn, những tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là khó tránh khỏi ngay cả khi khu vực công nghiệp hồi phục rõ nét.

Cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Nhưng vì sao, Nghị quyết ban hành rồi, tình hình lại tệ hơn? Phải chăng, Nghị quyết chưa được thực thi nghiêm túc và hiệu quả?

Tin liên quan
Tin khác