Du lịch
Du lịch Hà Nội “lột xác” sau hai năm Covid-19
Hồng Hạnh - 17/03/2022 14:36
Tận dụng thời gian chống dịch, các khu, điểm du lịch không ngừng làm mới, sáng tạo nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, giúp du lịch Hà Nội thực sự “lột xác”, mới lạ hơn, hấp dẫn hơn.
Ảnh minh họa

Nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn

Sự kiện mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3 được coi là dấu mốc đáng nhớ trên chặng đường phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Mỗi điểm du lịch như một “đốm lửa” cùng nhau tạo thành “ngọn lửa” góp phần thắp sáng những kỳ vọng phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói sau hơn 2 năm đóng băng vì Covid-19.

Kể từ khi Hà Nội cho phép các di tích mở cửa đón khách trở lại, không khí tại các điểm đến trên địa bàn Thủ đô không còn cảnh vắng lặng. Mỗi ngày, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón chừng 120 - 300 lượt du khách; Hoàng thành Thăng Long và Nhà tù Hỏa Lò đón khoảng 100 lượt du khách; chùa Hương phục vụ khoảng 1.000 lượt du khách…

Trong hội nghị chuẩn bị điều kiện mở cửa phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô năm 2022 do Sở Du lịch TP. Hà Nội tổ chức đầu tháng 2/2022, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cho rằng, hiện có khá nhiều dịch vụ kinh doanh du lịch trôi nổi trên mạng xã hội, khiến du khách gặp không ít rủi ro, như hiện tượng bán tour lừa đảo; bán dịch vụ không đúng chất lượng cam kết…

Theo các doanh nghiệp, để bảo vệ quyền lợi của khách cũng như uy tín của hoạt động du lịch trên địa bàn Thủ đô, Sở Du lịch TP. Hà Nội nên lập danh sách các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch, đăng tải công khai trên website của Sở tại địa chỉ https://sodulich.hanoi.gov.vn/ (mục Hệ thống chứng nhận) hoặc http://www.quanlyluhanh.vn để du khách dễ dàng lựa chọn.

Những con số này chỉ bằng phần nhỏ so với cùng kỳ các năm trước, khi “sóng thần” Covid-19 chưa ập đến, nhưng cũng là tín hiệu đầy lạc quan cho ngành kinh tế xanh Hà thành. Bởi lẽ, các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình phong phú, độc đáo và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất với các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch.

Đơn cử, từ ngày 15/3, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist đón khách tham gia tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” với giá tour giảm 50% trong tháng 3, chỉ từ 25.000 - 75.000 đồng/du khách. Tham gia tour, du khách sẽ có những trải nghiệm sâu sắc, những cảm xúc ấm áp, thư giãn với các trò chơi dân gian và lưu lại những khoảnh khắc rực rỡ với hoa gạo trong không gian cổng làng, quán nước, quang gánh, xích đu tre… bên gốc cây gạo cổ thụ.

Trong khi đó, tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, chương trình “Check in ngay, nhận quà hay” được tổ chức với hàng ngàn phần quà hấp dẫn tặng du khách.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò triển khai 2 sản phẩm du lịch đêm, gồm “Đêm thiêng liêng: Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” đầy lắng đọng, giàu cảm xúc. Lãnh đạo Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, đơn vị này đang tiếp tục xây dựng tour “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân” tôn vinh các anh hùng liệt sỹ trẻ tuổi hy sinh lại Nhà tù Hỏa Lò (dự kiến ra mắt vào tháng 7 tới) và tour đêm đặc biệt để chuẩn bị cho mùa cao điểm đón du khách nước ngoài cuối năm nay.

Sẽ tổ chức nhiều lễ hội kích cầu du lịch

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội chia sẻ, do ảnh hưởng của Covid-19, xu hướng đi du lịch của du khách đã đổi khác. Trước đây, khách thường đi theo nhóm lớn, nhưng nay đi theo nhóm nhỏ, hướng đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng. Hà Nội đã cùng doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy các sản phẩm du lịch truyền thống và mở rộng sang các loại hình du lịch phù hợp với tình hình mới. Có thể kể đến các sản phẩm tour du lịch đêm tại Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, các sản phẩm tour du lịch trải nghiệm kiến trúc Pháp, tour đạp xe quanh khu vực trung tâm Thủ đô, du lịch mạo hiểm ở Chương Mỹ, Vườn quốc gia Ba Vì, du lịch giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học, Cổ Loa…

Trong năm 2022, Sở Du lịch TP. Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành uy tín tập trung nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính, từ trung tâm Thành phố đến làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì.

Về tuyên truyền quảng bá, Sở Du lịch TP. Hà Nội sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do Sở phối hợp và chủ trì. Đó là chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn khinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch… Đặc biệt, SEA Games 31 cũng là cơ hội rất tốt để quảng bá sản phẩm du lịch với khách quốc tế.

Sở Du lịch TP. Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, qua đó giúp phục hồi và xây dựng đội ngũ lao động ngành kinh tế xanh Thủ đô. Bên cạnh đó, Sở sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và quản trị hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả và năng suất.

Ông Minh cho biết: “Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch sắp tới, cuối tháng 3, chúng tôi tổ chức chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 với chuỗi sự kiện hưởng ứng năm du lịch quốc gia, như Lễ hội quà tặng, Lễ hội áo dài, các sản phẩm hỗ trợ du lịch… Ngoài ra, Hà Nội cũng kết hợp Công ty Chiến Thắng tổ chức loại hình du lịch khinh khí cầu”.

Về các giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Sở Du lịch TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, gia hạn thời gian giảm các loại phí, lệ phí đối với doanh nghiệp lữ hành; miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, ngành kinh tế xanh Thủ đô phấn đấu đón 9 - 10 triệu lượt khách trong năm 2022, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Năm 2023, Thủ đô phấn đấu đón 12 - 14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 - 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác