Đánh giá về những thuận lợi và cơ hội sẽ mở ra cho Việt Nam khi tham gia TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tham gia TPP sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế, xuất khẩu có cơ hội tăng mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, lĩnh vực du lịch sẽ tăng trưởng đáng kể do sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, việc nới lỏng điều kiện di chuyển sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại, tạo ra xu thế chuyển dịch giữa các nước TPP.
Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng những thách thức đối với lĩnh vực du lịch cũng không nhỏ. Theo các nội dung đàm phán TPP được Bộ Công thương công bố mới đây, mở cửa lĩnh vực dịch vụ sẽ không phân biệt đối xử (bao gồm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên với nhau và không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài).
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương |
Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực cho ngành du lịch do sự cạnh tranh không cân sức về vốn, công nghệ, trình độ của doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khả năng nắm bắt thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng của doanh nghiệp nước ngoài đang ở khoảng cách rất xa so với các doanh nghiệp du lịch trong nước.
Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist, trong trường hợp doanh nghiệp lữ hành nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đây là điều hết sức bất lợi đối với các doanh nghiệp lữ hành trong nước. “Hiện tình trạng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trong nước đã rất gay gắt, nếu phải đương đầu với các doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta nắm chắc phần thua, do doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn chúng ta nhiều lần cả về vốn, trình độ”, ông Kế nói.
Thêm vào đó, một vấn nạn tồn tại hàng chục năm nay vẫn chưa được xử lý triệt để, đó là tình trạng lộn xộn trong hoạt động kinh doanh lữ hành. Theo thống kê, nếu như năm 2010 cả nước chỉ có khoảng 500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, thì đến nay đã có trên 1.500 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Sự gia tăng quá nhanh các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong khi các chế tài chưa đầy đủ, dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, bát nháo.
Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành quốc tế chia sẻ, tình trạng nhiều doanh nghiệp lữ hành chui (không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế) cạnh tranh không lành mạnh bằng cách bán phá giá tour và ăn cắp bản quyền đang khiến cho các doanh nghiệp du lịch chân chính điêu đứng.
“Để ra đời một tour du lịch thể thao cho một đoàn khách quốc tế, chúng tôi phải mất cả tháng trời để tiến hành khảo sát thực địa, nơi lưu trú, địa điểm dừng chân… Thời gian và công sức chúng tôi bỏ ra rất lớn, chưa nói đến chi phí đầu tư, nhưng tour vừa được chào bán thì ngay lập tức bị đánh cắp. Bức xúc nhất là sản phẩm đó lại được chào bán rẻ hơn nhiều so với tour chính thống của chúng tôi, do họ không phải chịu khoản chi phí khảo sát vốn rất tốn kém”, vị giám đốc này bức xúc.
Được biết, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện rất nhiêu khê, nên phần lớn các doanh nghiệp du lịch rất ngại khi tiến hành các thủ tục bảo hộ cho sản phẩm của mình. Trong khi đó, các cơ quan hỗ trợ pháp lý sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp lữ hành còn thiếu.
Nếu tiếp tục duy trì cách làm manh mún như hiện nay, thì khả năng ngành du lịch thua là cầm chắc khi TPP có hiệu lực.