Thời tiết đẹp những ngày đầu năm là một trong những yếu tố quan trọng góp phần khiến du lịch lễ hội sau Tết Nguyên đán trở nên sôi động. Nhìn chung, kể từ sau dịch bệnh Covid-19, đây là thời điểm du lịch có dấu hiệu hồi phục khá tích cực.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, một số tour du lịch gần Hà Nội và TP.HCM đi về trong ngày đang được nhiều du khách lựa chọn nhất.
Cụ thể, tour đi lễ chùa Tam Chúc và chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) đi về trong ngày có giá 550.000 đồng/người; tour đi lễ Yên Tử, chùa Đồng (Quảng Ninh) có giá 900.000 đồng/người; tour đi lễ Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) bao gồm vé tham quan và vé đi thuyền ngắm cảnh có giá 900.000 đồng/người; tour đi chùa Ba Vàng - Yên Tử - chùa Đồng (Quảng Ninh) bao gồm cáp treo, xe điện có giá 950.000 đồng/người…
Ông Trần Đăng Thành, Giám đốc Công ty Orion Travel cho biết, lượng khách du xuân đến các lễ hội, địa điểm tâm linh trong dịp đầu năm Giáp Thìn 2024 tăng đột biến, nhiều tour kín chỗ ngay sau khi mở bán.
“Nhu cầu của người dân trong những ngày này là đi du xuân kết hợp đi lễ đầu năm để cầu bình an. Các tour có lịch trình đi về trong ngày được nhiều người lựa chọn hơn cả. Những tour này thường dễ tổ chức bởi lịch trình ngắn, ít điểm đến, do đó doanh nghiệp lữ hành mở tour liên tục”, ông Thành nói.
Ngoài ra, theo ông Thành, việc giá vé máy bay trong nước tăng cao cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu đi du lịch gần của người dân tăng mạnh. “Thời gian vừa rồi, khủng hoảng kinh tế khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế đi du lịch. Do đó, những tour đi gần là cơ hội để họ phần nào giải tỏa mong muốn đi chơi của mình. Lượng khách cũng vì thế tăng đột biến, các điểm du lịch gần Hà Nội rất đông khách tới tham quan”, Giám đốc Công ty Orion Travel chia sẻ.
Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho hay, các tour du lịch đi lễ thường đông khách trong khoảng thời gian hết tháng Giêng, sau đó, lượng khách đi tour sẽ giảm mạnh, các tour du lịch đi lễ giá rẻ cũng không còn được tổ chức thường xuyên.
Nhận định sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh là “mỏ vàng” có thể tạo nguồn thu cho du lịch, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhấn mạnh, để hấp dẫn du khách hơn nữa, nhất là khách quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư về nguồn lực, các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch cần tăng trải nghiệm cho du khách dựa vào các giá trị văn hóa sẵn có, hướng du khách tới giá trị “chân - thiện - mỹ” trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng dân gian.
Có thể thấy, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội đầu năm không phải là sản phẩm du lịch đơn thuần, mà mang “giá trị kép”, vừa thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam, giá trị di sản, di tích, kết nối cộng đồng.
Đề cập vấn đề này, Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng.
Ngoài ra, sự đa dạng, phong phú với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước, cùng nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.
Theo ông Tuấn, để phát triển du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác tại địa phương, hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách. “Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá đến với du khách”, ông Tuấn nói.