Du lịch
Du lịch tàu biển: “Mỏ vàng” cần biết cách khai thác
Hồ Hạ - 11/04/2023 14:03
Ba tháng đầu năm, thị trường khách tàu biển khởi sắc với một loạt tàu du lịch chở theo hơn 33.700 lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Khách du lịch tàu biển có mức chi tiêu cao, nhưng “mỏ vàng” này cần phải biết cách khai thác.
Du khách quốc tế trải nghiệm du thuyền trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Tín hiệu vui

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch đường hàng không hay đường bộ. Đó là một trong những lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng và khai thác triệt để. UNWTO dự báo, năm nay, sự phục hồi du lịch tàu biển sẽ rất tốt, khi Covid-19 được kiểm soát.

Điều này cũng thể hiện rất rõ qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển. Ngay đầu năm 2023, thị trường khách tàu biển đã khởi sắc với một loạt tàu du lịch chở theo hàng ngàn du khách quốc tế cập cảng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Quảng Ninh... Đa phần du khách đến từ châu Âu và châu Á.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 3/2023, khách quốc tế đến bằng đường biển tăng hơn 2,8 lần so với tháng trước đó. Quý I/2023, con số này tăng 936,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, với hơn 33.700 lượt du khách.

Để khai thác hiệu quả “mỏ vàng” du lịch tàu biển, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình khuyến nghị, cần hình thành các tuyến du lịch ven biển, từ đó tạo sản phẩm mới lạ cho du lịch từng địa phương. Chính quyền các địa phương nên mở rộng khái niệm sản phẩm du lịch biển bao quát hơn, hướng đến phát triển bền vững. Phát triển mạnh mẽ các cảng thủy nội địa, quốc tế, tổ chức nhiều điểm nghỉ biển với hạ tầng tốt, qua đó thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển nhiều lần.

Đại diện Công ty Saigontourist cho biết, trong quý I/2023, đơn vị này liên tục tiếp đón và phục vụ du khách đa quốc tịch và tàu khách của các hãng Royal Caribbean Cruise Lines, TUI Cruises, Silversea Cruises, Azamara Cruises, Hapag-Lloyd Cruises, Resort World Cruises…

Tính từ ngày 1 đến 8/3, Saigontourist đón 4 tàu biển quốc tế đến Việt Nam, mang theo hơn 4.200 du khách đa quốc tịch, cập các cảng tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long. Đây là kỷ lục mới trong năm 2023 về mật độ tàu biển cập cảng Việt Nam, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của mảng du lịch quốc tế nói chung và du lịch tàu biển nói riêng.

Khánh Hòa là một trong những địa phương hấp dẫn du khách tàu biển. Cảng vụ Hàng hải Nha Trang thông tin, từ nay đến cuối năm, dự kiến có khoảng 20 chuyến tàu du lịch biển đến Nha Trang. Đây là dòng khách cao cấp, ngoài việc chi tiêu nhiều, dòng khách này còn góp phần lan tỏa sự hấp dẫn của điểm đến.

Trong các loại hình di chuyển du lịch, mảng du lịch tàu biển phục hồi muộn nhất sau đại dịch Covid-19. Việc hàng chục ngàn du khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển là tín hiệu vui cho sự phục hồi du lịch inbound trong năm nay.

Khắc phục những bất cập

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, ngành kinh tế xanh Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách quốc tế có sức chi trả cao này, khi có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực.

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài 3.260 km, với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp, đặc biệt là nhiều cảng nước sâu, cho phép các tàu lớn neo đậu sát bờ. “Du lịch tàu biển trong thời gian qua trở thành một trong những loại hình phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh tăng trưởng và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế”, ông Tuấn nói.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số một. Tuy nhiên, “mỏ vàng” du lịch tàu biển không dễ khai thác do những “rào cản” về hạ tầng cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng và chính sách visa chưa “mở toang”...

Hệ thống dịch vụ, kỹ thuật tại các cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến việc tàu khách không cập được cảng do phải nhường vị trí cho tàu chở hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín điểm đến, là nhận định của nhiều chuyên gia du lịch. Lấy thí dụ tại TP.HCM, chỉ những tàu du lịch biển có sức chứa vài trăm du khách mới có thể vào sông Sài Gòn, đưa du khách xuống cảng khu vực bến Nhà Rồng để khám phá thành phố.

Nguyên nhân là do tĩnh không cầu Phú Mỹ (gần ngã ba sông Đồng Nai - Lòng Tàu - Sài Gòn) chỉ đủ cho tàu khách có sức chứa dưới 1.000 người qua lại. Trước đây, các tàu du lịch cỡ lớn có thể cập các cảng hàng hóa thuộc hệ thống cảng Cát Lái, nhưng các cảng này thường kín tàu hàng. Từ năm 2019 đến nay, tàu du lịch biển phải cập cảng Phú Mỹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi di chuyển bằng ô tô hơn 60 km qua Quốc lộ 51 về TP.HCM, rất bất tiện vì hay tắc đường.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lim Jiun Yan, Giám đốc vận hành Hãng tàu Resorts World Cruises Singapore (chuyên chọn cập cảng Phú Mỹ) cho biết, tàu biển phải chốt lịch thuê cầu bến trước cả năm. Do đó, các điểm đến cần công bố điểm cập bến, phí cảng… ổn định, lâu dài, tránh việc giờ chót thay đổi, gây khó cho cả hãng tàu và du khách.

Không chỉ hạ tầng, việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất rất nhiều thời gian, qua nhiều công đoạn hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển vẫn còn ít, trong khi dòng khách hàng có chi trả cao thường khó tính hơn, yêu cầu đội ngũ làm du lịch phải có kinh nghiệm và tâm huyết.

Ngoài ra, ở một số cảng, du khách phải đi bộ rất xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Đây là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ nếu Việt Nam muốn định vị là điểm đến của những siêu tàu đẳng cấp nhất hành tinh.

Tin liên quan
Tin khác