Nhiều địa phương đã khởi động lại hoạt động du lịch nội tỉnh. Đây là những tín hiệu vui, giúp hoạt động du lịch từng bước phục hồi. |
Nhiều địa phương phục hồi du lịch nội tỉnh
Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương, không phát hiện ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp. Để đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, một số địa phương đã cho phép nhiều hoạt động liên quan đến du lịch hoạt động trở lại.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép mở cửa các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ tổ chức đón du khách nội tỉnh từ 12 giờ ngày 8/6. TP. Đà Nẵng cho phép mở lại hoạt động tắm biển từ ngày 9/6 trong hai khung giờ quy định, nhưng các dịch vụ liên quan đến tắm biển chưa được phép hoạt động.
Từ ngày 8/6, TP. Hội An (Quảng Nam) cho phép tổ chức lại một phần hoạt động tuyến tham quan du lịch Hội An - Cù Lao Chàm và các hoạt động tắm biển, văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi; các khu, điểm du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh… tập trung không quá 30 người. Tuy nhiên, khu phố cổ và các hoạt động phố đêm, phố đi bộ… chưa được mở lại.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7, tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai hỗ trợ 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An để bù một phần chi phí nhằm duy trì mở cửa các di tích đón du khách.
Tại Huế, từ 13 giờ ngày 11/6, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách tham quan. Cùng với đó, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh cũng được hoạt động, nhưng chỉ đón khách nội tỉnh nếu đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1 m khi tiếp xúc và tối đa không quá 50% công suất phục vụ.
Tương tự, từ ngày 13/6, Hải Phòng cho phép mở cửa các hoạt động thể thao ngoài trời, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố; yêu cầu không tập trung quá 20 người cùng 1 chỗ, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.
Các nhà hàng, dịch vụ ăn uống được hoạt động, nhưng không được tập trung quá 20 người, phải giữ khoảng cách tối thiểu 1 m và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Các hãng taxi được hoạt động, nhưng không được chở vượt quá 50% số ghế. Các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại, nhưng chỉ phục vụ người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Hải Phòng.
Cần quy trình đón khách quốc tế
Không chỉ hoạt động du lịch nội địa đang từng bước hồi sinh, thị trường du lịch quốc tế cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan.
Các doanh nghiệp cho biết, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm thế đón khách trở lại, nhưng vẫn cần có định hướng cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, lúc này, rất cần vai trò “nhạc trưởng” của cơ quan quản lý nhà nước với việc đưa ra lộ trình rõ ràng, thông tin cập nhật, các tiêu chí về du lịch an toàn… để các doanh nghiệp thực hiện. Đồng thời, cũng cần chỉ rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp.
Ví dụ, Thái Lan đưa ra lộ trình 4 bước cho việc khôi phục du lịch trong giai đoạn tới. Quốc gia này dự tính, bước 1: mở lại thị trường quốc tế từ ngày 1/7 tại Phuket; bước 2: mở tiếp 10 điểm đến khác vào tháng 9; bước 3: mở một số điểm đến vào tháng 1/2022; và bước 4: mở toàn bộ các điểm đến để đón khách quốc tế trở lại.
Ông Phạm Hà chia sẻ, khách quốc tế lẫn trong nước rất quan tâm đến những trải nghiệm du lịch mới, các trào lưu du lịch mới… Họ cần biết rõ thông tin về các điểm đến an toàn, các khách sạn được phép đón khách, tỷ lệ dân số Việt Nam được tiêm phòng vắc-xin Covid-19, các dịch vụ mới…
Tuy nhiên, từ khi có dịch, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam ở tầm quốc gia rất ít. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể “tự bơi”, vì “sức cùng lực kiệt”. “Nếu không có những chính sách phù hợp, kế hoạch cụ thể cho cả thị trường nội địa và quốc tế, thì chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ bị bỏ lại xa so với các nước trong khu vực”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Do đó, các doanh nghiệp ngành kinh tế xanh cho rằng, cần kịp thời có những cơ chế, chính sách cho du lịch và vì du lịch, quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch hiệu quả. Để chuẩn bị tốt cho việc mở lại thị trường, cần có những buổi gặp mặt chính thức theo hình thức trực tiếp hoặc online với các hãng truyền thông quốc tế tại Việt Nam, các đại sứ quán, hãng hàng không… để tiếp tục xúc tiến điểm đến.
Theo đó, du khách quốc tế đã được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 không dưới 14 ngày và không quá 1 năm trước ngày đi du lịch sẽ được phép tới Phuket. Khách phải đến từ các quốc gia, khu vực có nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV-2 từ thấp đến trung bình, theo thông báo và cập nhật liên tục của Bộ Y tế công cộng (MoPH).
“Phuket Sandbox” cũng quy định rõ các thông tin về độ tuổi của khách du lịch; chỉ đón du khách được tiêm chủng bằng vắc-xin được MoPH hoặc Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận. Du khách đến Phuket đều phải cài đặt ứng dụng ThailandPlus trên điện thoại thông minh và luôn bật ứng dụng khi di chuyển. Tất cả du khách sẽ ở trong một cơ sở lưu trú được cấp chứng nhận “Amazing Thailand Safety and Health Administration: SHA” trong thời gian không dưới 14 đêm và sau đó sẽ được phép đi thăm các điểm đến khác của Thái Lan.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!