Covid-19 đã làm xoay chuyển mọi hoạt động của ngành du lịch. Ảnh chụp trước Covid-19. |
Chuyển đổi để thích ứng
Đại dịch Covid-19 “đánh” trực diện vào ngành kinh tế xanh. Qua 4 lần dịch bệnh bùng phát, trên 95% doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Sự tàn phá của Covid-19 cho thấy, nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống chọi, buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản lý thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Travelogy Việt Nam đang ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam cho biết, các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Khách hàng hiện đại muốn hướng đến sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian. Vì vậy, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc, mọi nơi chính là mong muốn của họ. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo sự minh bạch và phát triển bền vững”, ông Tuyên nói.
Có thể thấy, Covid-19 đã làm xoay chuyển mọi hoạt động của ngành du lịch. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và trải nghiệm của du khách, nhiều điểm đến/công ty du lịch đã xây dựng tour ảo, tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua hình ảnh, video, hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu... Nhờ đó, du khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm dự định tham quan và có thêm động lực cho chuyến du lịch trong tương lai.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group khẳng định, Covid-19 buộc du lịch phải chuyển mình, tăng tốc chuyển đổi số. Năm 2020, du lịch bị ảnh hưởng, nhưng nền tảng du lịch trực tuyến ivivu.com của Thiên Minh vẫn tăng trưởng mạnh cả về lượng truy cập và sản phẩm bán ra.
“Không chỉ trước mắt, mà về lâu dài, doanh nghiệp cần biết cách tạo ra sản phẩm đặc thù, có giá phù hợp, định vị tốt thị trường nội địa và phải phát triển thành hệ thống sản phẩm”, ông Kiên chia sẻ.
Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số
Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào cũng chuyển đổi số thành công. Để khoản đầu tư này đạt hiệu quả, ông Tuyên cho rằng, khi nghiên cứu áp dụng chuyển đổi số, các lãnh đạo doanh nghiệp cần có tâm thái bình tĩnh, tìm ra vấn đề “nhức nhối” nhất của doanh nghiệp dựa trên sự thấu hiểu quy trình kinh doanh và bối cảnh thị trường. Tâm lý khách hàng nên được coi là trọng tâm để phác thảo ra lộ trình chuyển đổi số phù hợp, vì sau cùng, doanh thu cao và quản lý tinh nhuệ vẫn luôn là đích của mọi doanh nghiệp du lịch.
Để hỗ trợ doanh nghiệp và các đơn vị, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách; phối hợp với các đơn vị viễn thông hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện chuyển đổi số.
- Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, đăng ký và tự đánh giá mức độ an toàn Covid-19.
Mới đây, Trung tâm Thông tin (Tổng cục Du lịch) nhận được phản ánh của du khách người Đức trên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn về việc một lái xe taxi có hành vi “chặt chém” du khách số tiền 200.000 đồng với đoạn đường 2,7 km, từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ngay lập tức, đơn vị đã chuyển thông tin đến Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TP. Hà Nội để xác minh, làm rõ, xử phạt hành chính đối với lái xe này, đồng thời hoàn trả lại số tiền cho du khách nước ngoài. Sự việc tuy nhỏ, nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ nét của ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn.
Tính đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã tham gia hệ thống đăng ký, tự đánh giá an toàn Covid-19 và ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn ở mức thấp. Cả nước mới có hơn 10.000/30.000 cơ sở lưu trú đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, việc chuyển đổi số, sử dụng ứng dụng và đăng ký an toàn Covid-19 cần sự tự giác, chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, chi tiết tới các đơn vị, doanh nghiệp để tạo hiệu quả tốt hơn.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!