Du lịch
Du lịch Việt làm gì để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới
Phương Linh - 20/06/2024 08:47
Với mục tiêu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế và 130 triệu lượt khách nội địa vào năm 2025, Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, đầu tư mạnh vào các địa điểm nổi tiếng.
Bà Nà Hills được biết đến như “chốn tiên cảnh” trên đỉnh núi Chúa (Đà Nẵng)

Tầm nhìn mới, tư duy mới

Những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận bước tiến vượt bậc của ngành du lịch, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Với tầm nhìn và tư duy mới, Việt Nam đang hướng tới việc phát triển du lịch toàn diện, từ du lịch nội địa đến quốc tế, đồng thời định hướng phát triển các sản phẩm đặc thù cho mỗi điểm đến, tạo sức hút mạnh mẽ và bền vững.

Theo Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024, phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ xác định những mục tiêu cụ thể, mà còn khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phát triển bền vững ngành du lịch, đáp ứng sự gia tăng nhu cầu của thị trường và du khách quốc tế.

Ngày 13/6/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 509/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể: năm 2025, phấn đấu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm. Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp 13-14% GDP.

Mỗi vùng miền trên dải đất hình chữ S đều có bản sắc riêng, từ vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, sự bình yên của Đồng bằng sông Cửu Long, đến những bãi biển tuyệt đẹp dọc theo bờ biển miền Trung. Việc khai thác tiềm năng du lịch nội địa không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Suốt những năm qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá và các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức thường xuyên để thu hút khách du lịch trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các quy hoạch tỉnh, vùng và quốc gia gần đây đã đồng loạt công bố, định hướng rõ ràng và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư. Điều này cũng đồng nghĩa với vấn đề liên kết vùng - vốn là điểm yếu của ngành du lịch và nhiều ngành khác, sẽ được cải thiện mạnh mẽ.

Để thu hút lượng khách quốc tế, trở thành những điểm đến ưa thích của họ, thì các điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc và Sapa cần nỗ lực quảng bá, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và hợp tác với các hãng hàng không, công ty lữ hành quốc tế…

Những hoạt động đó không chỉ nâng cao nhận thức của du khách quốc tế về vẻ đẹp và tiềm năng du lịch của Việt Nam, mà còn mở ra “sân chơi” cho các doanh nghiệp du lịch trong nước kết nối, hợp tác và mở rộng thị trường.

Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế là chính sách visa. Việt Nam đang mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa và triển khai hệ thống visa điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Đồng thời, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng, từ sân bay, cảng biển, đến hệ thống giao thông và khách sạn, cũng góp phần nâng cao trải nghiệm của khách quốc tế khi đến Việt Nam.

“Hình ảnh Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhất là khi hiệu ứng của các hoạt động ngoại giao năm 2023 đã giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Điểm đến du lịch Việt Nam trước đây được đánh giá là thân thiện, mến khách, thì nay còn là điểm đến được yêu thích”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Kỳ vọng bức tranh tươi sáng

Trong năm 2024, Việt Nam hướng tới mục tiêu đón 18 triệu lượt khách (bằng thời điểm trước đại dịch Covid-19). Việc này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và ngành du lịch.

Theo số liệu thống kê mới nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 1.383.703 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 7.583.034 lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các thị trường khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Malaysia.

Triển vọng tươi sáng này đang tiếp thêm sức sống cho ngành du lịch Việt Nam. Với việc đặt ra mục tiêu cao gấp đôi kế hoạch năm trước cho thấy tham vọng của Việt Nam trong bứt phá ngành kinh tế xanh. Cải thiện chất lượng dịch vụ và mở rộng các chương trình visa đã tạo thêm sức hút đối với du khách quốc tế.

Không chỉ tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, ngày càng nhiều doanh nghiệp quảng bá những dịch vụ du lịch mới, nhằm đáp ứng xu hướng của khách quốc tế. Các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch chữa lành, MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch ẩm thực và đánh golf thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của người nước ngoài.

Với sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các địa phương, cùng sự tham gia của doanh nghiệp, ngành du lịch đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay không chỉ là một con số, mà còn là minh chứng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của du lịch Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác