Đầu tư
Dự liệu dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam
Nguyên Đức - 18/12/2016 08:37
Với động thái mới đây của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump - sẽ rút khỏi TPP và “đe dọa” các doanh nghiệp Mỹ mang việc làm ra khỏi nước Mỹ, thì liệu dòng vốn từ doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam có đạt kỳ vọng đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số một?
TIN LIÊN QUAN

Mặc dù tới cuối tháng 1/2017, ông Donald Trump mới chính thức nhậm chức, nhưng việc ông này tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm dấy lên mối quan ngại của dư luận về sự “tan vỡ” của TPP, mà Mỹ vốn là người cầm trịch.

Chưa hết, những ngày đầu tháng 12, ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ hạn chế “sự ra đi” của các công ty Mỹ và sẽ mang việc làm trở lại nước Mỹ. Vị Tổng thống mới đắc cử của xứ cờ hoa còn cảnh báo các doanh nghiệp Mỹ rằng, nếu họ chuyển hoạt động ra nước ngoài thì sẽ phải đối mặt với thuế suất 35% nếu sau đó tìm cách bán sản phẩm của họ trở lại Mỹ. 

Mỹ hiện chỉ đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Thậm chí, báo chí nước ngoài còn cho biết, ông Donald Trump cũng đã nói với Tổng giám đốc Điều hành của Apple - ông Tim Cook - về việc ông muốn Apple mở nhà máy sản xuất ngay tại Mỹ, thay vì đưa sang các nước khác như Trung Quốc hay Việt Nam. Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng cam kết, sẽ đưa ra các chính sách có lợi về thuế khi mà Apple quyết định xây nhà máy tại quê nhà.

Tuy chỉ là những “động thái” trước khi chính thức lên nắm quyền, song những tuyên bố này của ông Donald Trump cũng khiến dư luận lo ngại là sẽ ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay từ khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Mỹ đã luôn nhấn mạnh việc sẽ trở thành “nhà đầu tư số một tại Việt Nam”. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ vẫn chỉ là nhà đầu tư nằm trong tốp 10, chứ chưa bao giờ vươn lên vị trí số một.

Mặc dù vậy, những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam và Mỹ cùng 10 đối tác khác đàm phán gia nhập TPP, nhiều kỳ vọng, thậm chí còn là sự khẳng định chắc chắn, Mỹ sớm muộn sẽ thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

Và quả thực, kể từ khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP, số lượng các công ty Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Thời gian gần đây, con số luôn tăng lên.

“Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia vào TPP. Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ gia tăng đầu tư, trong đó có việc không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận”, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã từng nhận định như vậy.

Không chỉ từ phía Việt Nam, mà các doanh nghiệp Mỹ cũng luôn khẳng định, với TPP, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, qua đó, sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa cam kết “nhà đầu tư số một” tại Việt Nam. Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ, từ Nike, Adidas, rồi Microsoft, Intel, Jabil, Microchip… đều đã lên hoặc đang thực hiện kế hoạch dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam.

Nhưng nếu TPP thất bại, và nếu thực sự ông Donald Trump thực hiện các chính sách nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam?

Apple đã từng lên kế hoạch đầu tư một dự án 1 tỷ USD ở Việt Nam và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu để đưa ra các quyết định cuối cùng. Nếu họ nghe lời “hiệu triệu” của Donald Trump, thì liệu kế hoạch này có đổ bể?

Và nếu không có TPP, thì Nike, Adidas liệu có tiếp tục dịch chuyển sản xuất về

Việt Nam?

Thông tin mới đây, ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ chọn ông Rex Tillerson, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí ExxonMobil vào vị trí Ngoại trưởng. ExxonMobil cũng đang lên kế hoạch đầu tư ít nhất là khoảng 10 tỷ USD cho một dự án quy mô lớn ở khu vực mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam. Liệu việc bổ nhiệm này, dù hiện tại vẫn chỉ đang là đồn đoán, có ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của ExxonMobil tại Việt Nam hay không?

Dù tất cả chỉ là phỏng đoán, song rõ ràng, những động thái trên chính trường nước Mỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, bà Virginia Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối khi mà “sự ủng hộ đối với TPP không còn được như trước”. Tuy vậy, AmCham vẫn rất hoan nghênh cơ hội được làm việc với Tổng thống Trump và Chính phủ mới nhằm thúc đẩy sự hợp tác thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như tiếp tục đối thoại về TPP.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, vào năm quan trọng khi Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện APEC 2017, những tiến bộ về tăng trưởng và phát triển kinh tế sẽ được chú trọng và AmCham sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ và sâu sắc giữa hai nước. Các công ty và nhà đầu tư Mỹ rất hy vọng về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam”, bà Virginia Foote nói.

Điều đó có nghĩa rằng, tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, thuận lợi hay không thì vẫn còn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tuy vậy, ngay cả khi chưa bàn tới TPP thất bại, chưa bàn tới chính sách đối ngoại mới của ông Donald Trump, thì đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. 11 tháng của năm nay, dù đặt rất nhiều hy vọng, song con số chỉ là 238 triệu USD. Còn nếu tính lũy kế, thì cho tới nay, các doanh nghiệp Mỹ mới đầu tư tại Việt Nam trên 10 tỷ USD. Mỹ xếp hạng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, đã tụt một bậc so với cách đây ít lâu.

Thêm nữa, nếu so sánh với các con số đầu tư của Hàn Quốc (51,5 tỷ USD), Nhật Bản (42 tỷ USD), hay Singapore (gần 38 tỷ USD), Đài Loan (31,2 tỷ USD)… thì còn xa các doanh nghiệp Mỹ mới “san bằng” được khoảng cách này.

Tin liên quan
Tin khác