Tuy nhiên, việc dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền đang trở thành một trong những thách thức lớn, gây ra nguy cơ lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực và giảm tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.
Đã đến lúc cần cơ sở dữ liệu y tế tập trung
Dữ liệu tập trung cho chuyển đổi số thành công trở thành một trong những vấn đề được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp đang đi đầu trong lĩnh vực y tế, đưa ra thảo luận tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 - sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp công nghệ số, cộng đồng nghiên cứu phát triển công nghệ, các nhà quản lý và đầu tư, diễn ra hôm 23/12 vừa qua.
Nội dung “Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Y tế nêu rõ, tầm nhìn của chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030 là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Để tiến đến cột mốc chuyển đổi số toàn diện đó, song song với nỗ lực số hóa toàn bộ dữ liệu y tế, ngành y còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Trong đó, giới chuyên gia nhận định, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) y tế tập trung có thể coi là “xương sống” đảm bảo thành công của tiến trình chuyển đổi số y tế.
Tại các quốc gia phát triển, các bệnh viện lớn hay các chuỗi bệnh viện sở hữu CSDL y tế tập trung tại bệnh viện theo chuẩn dữ liệu y tế quốc tế HL7 FHIR. CSDL y tế tập trung tại bệnh viện có thể chia sẻ dữ liệu với CSDL y tế tập trung quốc gia.
Thông tin dữ liệu y tế yêu cầu độ chính xác cao, theo thời gian thực, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe vì liên quan đến sinh mạng con người và đòi hỏi sự bảo mật cao… Việc có CSDL y tế tập trung không chỉ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh, mà còn mang ý nghĩa lớn với hoạt động của toàn ngành y và cho cả cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu y tế số ở Việt Nam vừa bị “đóng cứng”, lại vừa bị “phân mảnh” do chưa có chiến lược quy hoạch, xây dựng và khai thác hệ thống dữ liệu y tế số. Mặt khác, vẫn thiếu các quy định pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu y tế trong quá trình thu thập, khai thác, chia sẻ.
“Vì thiếu khung pháp lý cho chia sẻ dữ liệu, mỏ dầu dữ liệu y tế số mới đang bị đóng kín. Ngoài nguy cơ bỏ lỡ cơ hội khai thác giá trị từ chuyển đổi số y tế, thì đóng kín dữ liệu còn dẫn đến xu thế khai thác và mua bán trái phép”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), chia sẻ.
Thực tế cho thấy, dữ liệu y tế số tập trung thúc đẩy chuyển đổi số tại nhiều nước trên thế giới. Bà Esther Cheah, đại diện Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam chia sẻ, bên cạnh nhìn ra được các cơ hội tiềm năng, khi chuyển đổi số y tế và khai thác giá trị dữ liệu y tế số, nhất định phải hiểu được các nguy cơ tiềm tàng và chuẩn bị sẵn tinh thần ứng phó.
Theo bà Rochelemagne Audrey-Anne, đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, để bảo vệ quyền riêng tư cần luật hóa quy trình thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó, luật phải đảm bảo trao quyền cho công dân tiếp cận dữ liệu. Ngoài ra, rất cần thiết phải có một cơ chế độc lập để quản lý và giám sát, như mô hình Ủy ban bảo vệ dữ liệu châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các nhân tố tiềm năng để phát triển thị trường công nghệ y tế số. Bởi dân số Việt Nam đang sở hữu các đặc điểm nhân khẩu học phù hợp với chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, năm 2018 có khoảng 57 triệu lượt khám chữa bệnh của người cao tuổi, chiếm 34% số lượt khám chữa bệnh trên toàn quốc. Quan trọng là có hướng đi như thế nào để tránh lãng phí ngân sách, lãng phí nhân lực và thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số ngành y tế.
Cơ sở dữ liệu tập trung không chỉ là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số y tế, mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể khai thác được tiềm năng to lớn của dữ liệu để xây dựng những sản phẩm số “Make in Vietnam”, góp phần thực hiện khát vọng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Chúng ta sẽ đến đó bằng con đường khoa học công nghệ, bằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Đâu là hướng đi đúng, tránh lãng phí?
CSDL quốc gia có liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với nhau. Riêng lĩnh vực bảo hiểm y tế và y tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, đến năm 2020 phải cơ bản hoàn thành tạo lập CSDL quốc gia về bảo hiểm y tế và y tế, đảm bảo các quy định kỹ thuật và quy định của pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tạo lập, cung cấp, cập nhật, bổ sung, chỉ đạo cập nhật, bổ sung các thông tin liên quan cần thiết; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế với CSDL quốc gia về bảo hiểm y tế.
“Một trong những thách thức cho AI trong y tế là dữ liệu nằm rải rác ở các vùng miền”, ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty VinBrain nhận xét. Tệ hơn thế, dữ liệu nằm rải rác ngay trong một bệnh viện. Bài toán AI chỉ có thể giải quyết nếu bệnh viện sở hữu CSDL y tế tập trung tại bệnh viện theo chuẩn dữ liệu y tế quốc tế HL7 FHIR.
“Việc công bố CSDL y tế tập trung theo chuẩn HL7 FHIR sẽ giúp Bộ Y tế có thể tập hợp, quản lý và chia sẻ dữ liệu một cách thuận lợi; các cơ sở y tế dễ dàng thu thập và cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Việc này cũng sẽ giúp các cơ sở khám chữa bệnh có định hướng trong việc đầu tư cho công nghệ thông tin và biết chắc việc lựa chọn giải pháp đáp ứng được chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, tránh việc nhiều đơn vị đầu tư thời gian qua nhưng không đáp ứng yêu cầu hoặc phải thay đổi rất khó khăn và chi phí lớn”, ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, cố vấn cấp cao về công nghệ và giải pháp VMED Group cho biết.
Cụ thể, hệ thống lưu trữ và truyền tải dữ liệu hình ảnh (PACS) tập trung có thể lưu trữ đường link của các hình ảnh trên CSDL y tế tập trung quốc gia theo chuẩn HL7 FHIR. Nếu Bộ Y tế triển khai Hệ thống PACS tập trung quốc gia thì tốc độ truy cập từ CSDL y tế quốc gia đến Hệ thống PACS tập trung quốc gia sẽ nhanh hơn.
Với bệnh án điện tử (EMR), việc chia sẻ dữ liệu EMR từ tất cả các bệnh viện lên CSDL y tế tập trung quốc gia theo chuẩn HL7 FHIR sẽ nâng cao chất lượng và dịch vụ khám, chữa bệnh. Hiện tại, tổ chức Better Health Programme (Đại sứ quán Anh) đang phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) để đưa ra chuẩn dữ liệu EMR trên FHIR.
Ở góc độ quản trị bệnh viện, hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS) có thể chia sẻ dữ liệu 4210 XML lên CSDL y tế tập trung quốc gia theo chuẩn HL7 FHIR. Việc chia sẻ dữ liệu 4210 XML từ tất cả các bệnh viện lên CSDL y tế tập trung quốc gia theo chuẩn HL7 FHIR sẽ cung cấp nguồn dữ liệu lớn (big data), phục vụ mục tiêu chuyển đổi số y tế quốc gia.
Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ và truyền tải dữ liệu y tế theo chuẩn quốc tế HL7 FHIR, nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển bởi những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số y tế, trong đó có VMED, Viettel, VNPT, FPT Healthcare… Đơn cử, VMED đã chủ động xây dựng phần mềm giúp chuyển đổi chuẩn dữ liệu y tế 4210 và Bộ Y tế đang áp dụng lên chuẩn quốc tế HL7 FHIR, chuyển đổi dữ liệu bệnh án điện tử lên chuẩn FHIR.
“Vì dữ liệu đã được lưu trữ dưới chuẩn quốc tế HL7 FHIR, việc khai thác dữ liệu để phục vụ cho quản lý là rất đơn giản. Hiện nay, với phần mềm chuyển đổi dữ liệu FHIR của VMED, Bộ Y tế có thể có được thông tin mà bệnh viện chia sẻ hàng ngày cho bảo hiểm y tế, có thể xây dựng được sổ khám bệnh của người dân một cách dễ dàng, theo thời gian thực với chi phí rất nhỏ so với trước đây mà với các giải pháp khác nhiều năm qua chúng ta đã nỗ lực mà chưa thành công”, ông Ngô Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VMED Group cho biết.
Ngoài phần mềm chuyển đổi dữ liệu FHIR, VMED đang tích cực triển khai các giải pháp tổng thể hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh, thông qua việc tích hợp nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ y tế chuyên sâu khác như bệnh án điện tử Clas Healthcare, HIS Khoa Việt, Giải pháp PACS tập trung đã được ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới, giải pháp Telemedicine chuyên sâu đã được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên và hỗ trợ cho hàng trăm bệnh viện khu vực phía Bắc...
Cùng với VMED, VNPT, FPT Healthcare, Viettel, DTT cũng đang đồng hành cùng ngành y tế trong hành trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp và sản phẩm công nghệ. Trong thời gian qua, Viettel đã phối hợp với 1.000 bệnh viện khánh thành trung tâm Telehealth và đang hỗ trợ nhiều bệnh viện khác phát triển nền tảng này.
Với những bước đi ban đầu bài bản, đúng hướng, những doanh nghiệp này đang góp phần quan trọng đưa ngành y tế Việt Nam tiến gần hơn đến vạch đích chuyển đổi số toàn diện.
Để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp công nghệ y tế như VMED, Viettel hay FPT Healthcare, VNPT, DTT… rất cần có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách đầu tư thuận lợi và đặc biệt là tạo điều kiện áp dụng thử nghiệm để tìm ra phương án tối ưu, giúp tăng sự chủ động và nhạy bén của các doanh nghiệp làm công nghệ y tế.
Đại diện Viettel cũng đưa ra kiến nghị, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời thu hút các công ty công nghệ trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam, có cơ chế, chính sách xây dựng thúc đẩy thiết bị hạ tầng viễn thông trong nước, ưu tiên các doanh nghiệp Việt đảm nhận xây dựng các giải pháp an ninh mạng, hạ tầng trọng yếu.