Ngân hàng - Bảo hiểm
Dự phòng rủi ro để đối phó với nợ xấu
Vân Linh - 07/04/2017 17:57
Hoạt động kinh doanh tuy đã có phần khởi sắc, nhiều nhà băng xây dựng kế hoạch lãi ngàn tỷ đồng cho năm nay, nhưng áp lực dự phòng vẫn là gánh nặng với nhiều ngân hàng.

Gánh nặng dự phòng rủi ro

Kết quả hoạt động của các nhà băng trong năm qua đã khởi sắc hơn. Tuy nhiên, do phải tăng chi phí dự phòng, cả cho các khoản nợ xấu khổng lồ đã chuyển sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng như nợ xấu mới phát sinh, nên lợi nhuận của một số nhà băng tiếp tục bị ăn mòn.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường trong năm qua, Eximbank đã sớm nhận ra tình hình khó khăn trong hoạt động ngân hàng cũng như nợ xấu có dấu hiệu tăng, nên ngay trong quý II/2016, Ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động, khi nợ xấu của nhà băng này tăng đột biến lên 5,3%, cho dù tín dụng vẫn âm 4,62%.

.

Khi đó, dự phòng rủi ro của Eximbank tăng gần gấp đôi, lên 324 tỷ đồng. Vì vậy, HĐQT Eximbank đã quyết định điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm còn 400 tỷ đồng, giảm 44% so với kế hoạch đầu năm và Ngân hàng đã đạt được mục tiêu này.

Năm qua, Eximbank đã thu hồi được hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu và không bán thêm nợ xấu cho VAMC, song chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2017 của nhà băng này vẫn khá khiêm tốn, chỉ tăng hơn 200 tỷ đồng so với năm 2016.

Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), gánh nặng dự phòng rủi ro bào mòn tới 92% lợi nhuận trong quý II/2016, khi chỉ đạt 94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù tín dụng tăng gần 18%. Kết thúc năm 2016, lợi nhuận của SCB đạt chỉ tiêu đưa ra là trên 120 tỷ đồng trước thuế. Trong năm 2016, SCB đã thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Từ đó, SCB giảm đáng kể tổng nợ xấu đã bán cho VAMC, từ mức 17.000 tỷ đồng còn 14.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo SCB cho biết, năm nay, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, bởi thực chất việc bán nợ xấu cho VAMC vẫn thuộc trách nhiệm xử lý của ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực dự phòng vẫn rất lớn. Năm qua, SCB đã trích hơn 1.000 tỷ đồng dự phòng.

Với tình hình thị trường khó khăn hiện nay, nếu không hy sinh đúng thời điểm sẽ mất cơ hội “vàng” thu hồi nợ, kiểm soát nợ xấu.

“Tổng quỹ dự phòng của SCB đến thời điểm này lên đến gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận làm ra được bao nhiêu chủ yếu dành cho dự phòng rủi ro. Do vậy, mục tiêu lợi nhuận mà SCB đưa ra cho năm 2017 cũng chỉ ngang bằng những năm trước, khoảng 150 tỷ đồng. SCB chưa thể kỳ vọng lợi nhuận cao, do phải tập trung xử lý nợ”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết.

Lợi nhuận phụ thuộc vào xử lý nợ xấu

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, nợ xấu của OCB đang giảm và ngày càng thấp so với mức trung bình của thị trường. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối lo của OCB. Lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay phụ thuộc vào xử lý nợ, bởi nếu xử lý được nợ xấu thì sẽ giảm được trích dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, kết thúc năm 2016, cơ cấu tài sản của Tập đoàn ACB tiếp tục được tái cấu trúc mạnh mẽ và là nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo. Tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản của ACB hiện ở mức rất tốt.

Cũng theo ông Toàn, ACB kỳ vọng, nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ như năm 2016. Ngân hàng đang quyết tâm thu hồi khoản nợ liên quan đến 6 công ty của bầu Kiên; dự kiến xử lý, thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng trong năm nay, nhằm giảm dự phòng rủi ro.

Nhu cầu tín dụng trong năm nay được dự báo khả quan hơn so với năm trước và thực tế tín dụng của toàn ngành tính đến cuối tháng 2/2017 đã tăng xấp xỉ 2%, tương đương 5,01 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, để cung - cầu vốn có thể gặp nhau thì không chỉ từ phía ngân hàng, mà bản thân khách hàng cũng phải minh bạch thông tin để ngân hàng có thể nắm rõ được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp khách hàng. Thực tế, trước tình hình khó khăn của thị trường hiện nay, nhiều khách hàng vay không sử dụng vốn đúng mục đích, nên nguy cơ rủi ro nợ xấu là khó tránh, dẫn đến dự phòng cao.

“Hoạt động ngân hàng hiện nay đã khác trước. Ngân hàng phải luôn chủ động tìm kiếm khách hàng và cạnh tranh lãi suất. Thậm chí, với các doanh nghiệp tốt, lãi suất được chào mời ở mức rất thấp mà cũng không dễ có được khách hàng”, ông Tùng chia sẻ.

Theo lãnh đạo các nhà băng, với tình hình thị trường khó khăn hiện nay, nếu không hy sinh đúng thời điểm sẽ mất cơ hội “vàng” thu hồi nợ, kiểm soát nợ xấu về mức an toàn. Lý do là, khi nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, đòi hỏi khoản dự phòng lớn, thì lợi nhuận sẽ teo tóp.

Tin liên quan
Tin khác