Tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dự phòng rủi ro tăng mạnh trong 3 quý đầu năm nay, khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Cụ thể, BIDV báo lãi hợp nhất trước thuế 9 tháng giảm xuống 5.500 tỷ đồng. Lãnh đạo BIDV cho rằng, sở dĩ lợi nhuận quý III/2017 ở mức thấp so với cùng kỳ do Ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo khả năng bù đắp các tổn thất đối với các khoản tín dụng tiềm ẩn rủi ro.
. |
Tính đến cuối quý III/2017, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của BIDV tăng vọt hơn 51%, từ hơn 6.900 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 70% đã bào mòn phần lớn lợi nhuận. BIDV luôn giữ vị trí quán quân trích lập dự phòng trong những năm gần đây, do nợ nhóm 5 tăng.
Một nhà băng khác cũng có mức trích lập dự phòng rủi ro cao là Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), lên đến 1.799 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2016, dự phòng rủi ro MBBank phải trích là 1.162 tỷ đồng). Tính đến ngày 30/9, nợ xấu của ngân hàng này ở mức 1,33%, tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm 2016 (ở mức 0,9%). Nhưng điều đáng nói là, nợ xấu của MBBank chủ yếu tăng ở các nhóm 4, 5 (đòi hỏi trích lập 100% dự phòng). Cụ thể, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 34,8%, ở mức 642 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 986 tỷ đồng, tăng 60,5% so với cuối năm 2016.
Do đó, lợi nhuận trước thuế của MBBank quý III/2017 chỉ đạt mức 1.477 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đạt 4.002 tỷ đồng.
Tương tự, ACB, VPBank sau trích lập dự phòng rủi ro thì chỉ còn hơn phân nửa lợi nhuận. Trong đó, VPBank trích lập dự phòng rủi ro 5.620 tỷ đồng, ACB trích lập 1.423 tỷ đồng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, sở dĩ các nhà băng phải tăng trích dự phòng rủi ro là do hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” về tín dụng thời gian qua, khiến nợ xấu tăng cao, đến nay vẫn chưa xử lý hết. Do đó, dù lợi nhuận thu về rất lớn, nhiều ngân hàng đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro.
Còn theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nguyên nhân khiến các ngân hàng tăng cường trích lập rủi ro là do các ngân hàng vẫn sống chủ yếu dựa vào tín dụng. Mặt khác, dù nợ xấu được các nhà băng bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhưng số nợ xấu của ngân hàng vẫn chưa được xử lý ở VAMC vẫn còn rất lớn. Tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Tín cũng cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho ngân hàng xử lý nợ, nên sẽ sớm giảm dự phòng, thậm chí còn hoàn nhập được dự phòng, tác động tích cực lên lợi nhuận.