Xu hướng đầu tư mới
Số liệu về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tháng 4/2018 chưa được công bố. Nhưng điều có thể được dự báo trước là, đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần chắc chắn tiếp tục tăng mạnh.
Theo dõi quy trình sản xuất tại Công ty Điện tử Samsung (Bắc Ninh). |
Con số trong quý I/2018 đã được Cục Đầu tư nước ngoài công bố ở mức 1,89 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có 732 lượt góp vốn mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp là 1,34 tỷ USD; 553 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước, nhưng không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp là 547 triệu USD.
Nhưng đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần chỉ là một trong những xu hướng đầu tư được dự báo bùng nổ trong thời gian tới. Theo Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2018 - 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng đang được đưa ra lấy ý kiến công luận, thì sẽ còn xuất hiện những hình thức đầu tư FDI mới, cũng như phương thức đầu tư xuyên biên giới không vốn góp (NEM).
Theo lý giải của các chuyên gia WB, từ trước đến nay, các tập đoàn đa quốc gia thường làm ăn, đầu tư xuyên biên giới hoặc thông qua việc sở hữu trực tiếp cơ sở ở nước ngoài tại nước sở tại hoặc thông qua hoạt động thương mại tự do. Nhưng những năm gần đây, xu hướng này dần thay đổi và các tập đoàn đa quốc gia cũng chuyển sang các phương thức đầu tư FDI mới để có được hiệu quả tốt hơn cũng như tiếp cận thị trường nước ngoài bằng những hình thức đầu tư ít truyền thống hơn, như thuê gia công bên ngoài, dịch vụ khoán nông nghiệp, nhượng quyền cấp phép và quản lý theo hợp đồng…
“Điều đáng nói ở chỗ, tầm quan trọng của những phương thức này đang ngày càng được công nhận rộng rãi. Khi Việt Nam dịch chuyển theo hướng tăng giá trị gia tăng và tăng hội nhập với các chuỗi giá trị toàn cầu, NEM đóng vai trò nòng cốt bằng cách cho phép các tập đoàn đa quốc gia điều phối các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi hỗ trợ cho các nhà cung ứng trong nước, nhờ đó giúp tăng cường liên kết giữa nhà cung ứng Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu”, Dự thảo Báo cáo viết.
Báo cáo cũng viết, ngày nay, đầu tư ra nước ngoài có 2 hình thức: thông qua đầu tư vốn trực tiếp và thông qua các cơ chế hợp đồng thương mại giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
Trong trường hợp thứ hai, khoản “đầu tư” của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh...
Ví dụ điển hình được các chuyên gia WB viện dẫn như Apple thuê Inventec của Đài Loan sản xuất một số loại linh kiện thông qua hợp đồng gia công…
Hình thức này đã manh nha tại Việt Nam hay chưa? Câu trả lời là có. Hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Adidas Nike đã thuê các doanh nghiệp trong nước gia công các sản phẩm của mình rồi xuất khẩu ra nước ngoài…
Các chuyên gia WB cho rằng, khi các phương thức đầu tư mới ngày càng gia tăng và chứng minh được tầm quan trọng của mình, thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư mới
Việt Nam sau 30 năm thu hút FDI đã giành được những thành tựu quan trọng. Nhưng vẫn cần có những thay đổi quan trọng trong thời gian tới để thu hút FDI nhiều hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã luôn nhấn mạnh xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có chính sách thu hút FDI phù hợp. “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Do đó, cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… Bên cạnh đó, cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Dự thảo Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2018 - 2030 cũng đã đề cập những thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Một trong những thách thức đó là các công ty sẽ cân nhắc làm thế nào để tự động hóa sản xuất, giảm nhân công và tăng năng suất.
Không chỉ là cách mạng 4.0 theo Dự thảo Chiến lược mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB xây dựng, có khá nhiều xu thế lớn sẽ tác động tới FDI trong vòng 12 năm tới. Chẳng hạn, tăng cường ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA); những thay đổi trong chính sách đặt địa điểm sản xuất ở nước ngoài so với việc chuyển địa điểm sản xuất về những quốc gia ở gần; các yêu cầu về phát triển bền vững; các tập đoàn đa quốc gia sẽ tập trung vào hạn chế rủi ro của chuỗi cung ứng… Đó là lý do khiến các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nếu không sớm vượt qua thách thức này, thì sẽ khó tận dụng được các cơ hội mà các xu hướng đầu tư mới mang tới.