Cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo luật nhà giáo có sự góp mặt của Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
5 điểm mới mang tính đột phá trong dự thảo luật nhà giáo
Đại diện Ban soạn thảo dự án luật nhà giáo, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã nêu rõ việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nhà giáo và một số định hướng đề xuất nhằm kiến tạo môi trường, phát triển đội ngũ nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nêu các điểm mang tính đột phá trong dự thảo luật nhà giáo |
Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến quy định 5 nội dung mang tính đột phá về công tác quản lý nhà nước trong dự thảo luật nhà giáo.
Thứ nhất, công tác tuyển dụng nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Thứ hai, công tác điều động, biệt phái nhà giáo không chỉ được thực hiện trong phạm vi cấp huyện, cấp tỉnh mà còn được thực hiện giữa các tỉnh/thành phố khác nhau và được thực hiện giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện để bảo vệ nhà giáo, giúp nhà giáo được làm việc trong môi trường an toàn, được tạo động lực để phát triển nghề nghiệp.
Thứ tư, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý giáo dục trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhà giáo giỏi trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và nhà giáo giỏi giữ các vị trí lãnh đạo tại cơ quan quản lý giáo dục.
Thứ năm, chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo.
Theo ông Vũ Minh Đức, những điều kiện nói trên là thành tố quan trọng để góp phần tạo nên một môi trường làm việc an toàn, nơi nhà giáo được bảo vệ và được đảm bảo về các điều kiện vật chất, tinh thần, đảm bảo điều kiện an sinh xã hội.
Từ đó, các nhà giáo an tâm công tác, tập trung cho công tác chuyên môn, phát triển nghề nghiệp liên tục; Được ghi nhận xứng đáng đối với những thành tích, đóng góp đạt được để duy trì động lực phấn đấu, tận tụy với nghề, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Có cơ hội công bằng trong thăng tiến nghề nghiệp; được xã hội tôn vinh tương xứng với vị thế nghề nghiệp trong xã hội, vun đắp thêm niềm tự hào, vinh dự với “nghề” nhà giáo.
Cần thiết đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo
Ông Vừ A Bằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhìn nhận, thực tế quản lý nhà nước nhà giáo tại tỉnh Điện Biên còn những điểm hạn chế: Bất cập trong khâu quản lý nhà nước về nhà giáo dẫn tới hiện tượng thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong công tác thuyên chuyển, điều động, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu |
Từ thực tế đó, ông đề xuất xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương.
Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD&ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh. Trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Ông Bằng cũng đề nghị quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên |
GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD& ĐT Nghệ An đề xuất, cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Trong đó, thẩm quyền tuyển dụng nên phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.
Về sử dụng nhà giáo, ông Thành đề xuất quy định đồng bộ, thống nhất về việc thay đổi đơn vị công tác và thay đổi vị trí việc làm của nhà giáo để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, bố trí, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo khi cần. Đồng thời tính đến xu thế phát triển của giáo dục hiện nay và trong tương lai, khi khối giáo dục ngoài công lập phát triển thì nhà giáo có cơ hội di chuyển giữa các khối công - tư nếu đáp ứng các yêu cầu cần thiết.
GS.TS. Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD& ĐT Nghệ An |
Theo TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến, tuy Bộ GD&ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và người.
Ông phân tích, sự phân công trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái vừa là người chèo thuyền.
TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi tại hội thảo |
Tuy nhiên, từ hơn hai chục năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, theo đó nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.
“Chính mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân chính khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực”, TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.
Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện các địa phương về dự thảo Luật Nhà giáo nói chung và vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo nói riêng, với khẳng định chung, đây là dự luật đã được chờ đợi từ lâu và tất cả giáo viên, cử tri đều rất kỳ vọng.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong xây dựng dự án luật nhà giáo, các ý kiến cũng mong muốn, Bộ GD&ĐT và Ban soạn thảo sẽ tiếp tục có những đánh giá tác động, lắng nghe ý kiến - đặc biệt là ý kiến của đội ngũ nhà giáo để hoàn thiện dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục xuất phát từ quan tâm tới nhà giáo.