Cho ý kiến vào Dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi) tại Phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay (ngày 20/3/2017), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Nga nhắc lại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hằng năm được Chính phủ trình Quốc hội tại các kỳ họp rằng, nợ công tăng nhanh, gây áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước, nợ Chính phủ đã vượt trần cho phép...
“Sửa đổi Luật quản lý nợ công năm 2009 có kiểm soát được nợ công không, có hạn chế được tình trạng nợ công, nợ chính phủ tăng liên tục hay không? Nợ công tăng nhanh có nguyên nhân từ đâu, do luật không phù hợp với thực tiễn hay triển khai luật có vấn đề?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Nợ công, theo quy định hiện hành chỉ bao gồm nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh thì có nhiều khoản ngân sách nhà nước phải trả nợ hiện chưa được tính vào nợ công như nợ xây dựng cơ bản, nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, nợ vốn đối ứng trong các dự án sử dụng vốn ODA.
“Đo mức độ an toàn nợ công tính trên GDP, nếu tính cả các khoản nợ mang tính chất công (nợ Bảo hiểm xã hội, nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng, nợ xây dựng cơ bản, nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước…) vào nợ công thì tỷ lệ nợ công chắc chắn sẽ cao hơn hiện nay (tính đến đầu năm 2017, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ chính phủ tương đương 53,62% GDP). Vì vậy, phải xác định lại tỷ lệ nợ công bao nhiêu là hợp lý (hiện tại nợ công không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP)”, ông Thanh đề nghị.
Lý giải về việc nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, nguyên nhân chính là không đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu không đạt dự toán trong khi chi không thay đổi so với dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu (Ảnh: Daibieunhandan.vn) |
“Giai đoạn 2011-2016 tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,91% trong khi mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 7%. Tốc độ tăng trưởng không đạt mục tiêu nên quy mô nền kinh tế thấp hơn dự kiến trong khi đó chúng ta vẫn phải đảm bảo các khoản chi như đã đề ra như chi cho an sinh xã hội, đầu tư hạ tầng giao thông, chi giải ngân vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA vượt dự toán… nên phải vay nợ để chi đầu tư phát triển. Số chi tuyệt đối vẫn giữ được mức Quốc hội cho phép, nhưng do GDP thấp hơn dự kiến khiến tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ tính trên GDP tăng”, ông Dũng giải thích.
Thu ngân sách chỉ đủ để chi thường xuyên, không đủ chi đầu tư phát triển, cộng với việc phải trả nợ các khoản đã huy động ở giai đoạn trước, buộc Chính phủ phải huy động trái phiếu chính phủ tới 1,4 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015 để chi cho đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là những nguyên nhân tiếp theo khiến nợ công tăng mạnh.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, xác định nợ công vẫn giữ như hiện hành, tức là chỉ tính nợ chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương và nợ chính phủ.
Khoản nợ 364.000 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội, ông Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ Tài chính trái phiếu hóa khoản nợ này và sẽ niêm yết số trái phiếu này trên thị trường, tức là chuyển từ vay theo hợp đồng sang vay theo dưới dạng trái phiếu chính phủ, có như vậy mới trả được nợ cả gốc lẫn lãi.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bảo vệ quan điểm không đưa nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công. “Nghiên cứu hơn 40 nước trên thế giới thì chỉ có 4 nước tính nợ của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công gồm Thailand, Serbia, Philippines, Slovakia, nhưng chỉ tính nợ công đối với khoản vay của doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ công ích thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao”, ông Dũng thông tin thêm.
Theo Bộ trưởng Dũng, doanh nghiệp nhà nước đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên, Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm và nghĩa vụ bằng số vốn của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì thực hiện phá sản và việc phân chia nghĩa vụ trả nợ thực hiện theo luật phá sản chứ Nhà nước không thể lấy ngân sách ra để trả nợ.
Đồng tình với quan điểm này, nhưng cho ý kiến vào Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi, nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội vẫn lo lắng, bởi nếu doanh nghiệp nhà nước nợ nước ngoài mà không trả được nợ thì tàu của Việt Nam ra nước ngoài sẽ bị bắt giữ vì nước ngoài mặc định rằng, nợ của doanh nghiệp nhà nước là nợ của Chính phủ Việt Nam nên Việt Nam phải có nghĩa vụ trả nợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu tỏ ra lo ngại nếu Nhà nước không đứng ra trả nợ khoản vay mà doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ. Vì nếu như vậy, nợ xấu của nhiều tổ chức tín dụng sẽ tăng mạnh, bởi doanh nghiệp nhà nước là khách hàng lớn nhất của các tổ chức tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn.