Du lịch
Đưa du lịch đường thủy thành sản phẩm tạo sự khác biệt tại TP.HCM
Hoài Sương - 02/06/2023 12:14
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô…

Đặt mục tiêu cho du lịch đường thủy

Sở Du lịch TP.HCM vừa có văn bản về việc ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết với Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bến Tre… và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy…

Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng, trong năm 2023 và 2024, lượng khách du lịch đường thủy đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo; doanh thu đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo; số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển đạt khoảng 100 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo; doanh thu du lịch từ tàu biển đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 500 tàu, thuyền và du thuyền các loại.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, với mục tiêu thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện vận chuyển… sẽ là tiền để cho du lịch đường thủy phát triển, trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch TP.HCM.

Sản phẩm du lịch đường thủy được kỳ vọng trở thành sản phẩm tạo sự khác biệt tại TP.HCM.

Cải thiện sản phẩm hiện có

Để thực hiện hóa mục tiêu này, TP.HCM tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có với các tuyến du lịch Bình Quới, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Củ Chi, Cần Giờ…

Cụ thể, các cầu cảng, bến tàu, dịch vụ du lịch phù hợp với phát triển du lịch khu vực như: bến Bình Quới 1, Bình Quới 2, Bình Hoà, Tân Cảng, Phủ Xuân… sẽ được tiến hành chỉnh trang.

Các bến bãi đỗ xe được quy hoạch an toàn, thuận tiện cho các đoàn khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ trên tuyến; xã hội hóa đầu tư tàu nhà hàng chất lượng tiêu chuẩn 4 – 5 sao nhằm trải nhiệm đêm, ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn của du khách…

Đặc biệt, nhằm cải thiện các hạn chế về điểm dừng chân, TP.HCM tiến đến xây dựng những trạm dừng tiếp nhiên liệu kết hợp với các điểm đến, dịch vụ hỗ trợ và gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP… để tăng thêm trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Việc cải thiện vệ sinh môi trường nước được Sở Du lịch TP.HCM đề xuất thêm sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, cộng đồng địa phương xung quanh khu vực 2 bên bờ kênh, sông… bởi nguồn nước ô nhiễm đang là vấn nạn mà không ít doanh nghiệp đầu tư ở loại hình này bị ảnh hưởng thời gian qua.

Phát triển thêm sản phẩm mới

Theo Sở Du lịch TP.HCM, để tăng cường các dịch vụ du lịch ven sông, TP.HCM sẽ phát triển cốt truyện quan trọng cho du lịch trên sông như tái hiện chợ nổi tại khu vực cầu Tân Thuận định kỳ thứ 7, chủ nhật hàng tuần; xây dựng những chương trình trọn gói city tour, 1 ngày từ các Cảng đến Cần Giờ, Củ Chi…

Các chính sách hỗ trợ nhà điều hành tour du lịch sông nước cũng được đưa ra với mục đích đưa đường sông trở thành phương thức vận chuyển trong tương lai nhằm thu hút du khách tham gia trải nghiệm, tạo không khi nhộn nhịp trên các tuyến sông nội đô như: câu lạc bộ du thuyền, câu lạc bộ thuyền hơi, chèo thuyền kayak…

Nhiều sản phẩm mới được doanh nghiệp phát triển du lịch đường thủy khai thác có hiệu quả.

TP.HCM sẽ xây dựng các mô hình để phát triển du lịch đường thuỷ trên sông Sài Gòn với loại hình tàu lưu trú cao cấp qua đêm trải nghiệm trên dọc sông Sài Gòn, Cần Giờ (từ 50 phòng đến 200 phòng); tàu gỗ nhỏ, tàu thuyền composite vừa vận chuyển từ 10 khách 50 khách nhằm kết nối với các khu vực rạch nhỏ, kênh kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đinh, chùa, làng nghề trên tuyến.

Cụ thể, với tuyến du lịch đi quận 7, TP.HCM sẽ đầu tư cầu mới thay thế cầu sắt Rạch Đĩa 1 đang dần xuống cấp trầm trọng, nâng cấp độ tĩnh không cầu Phước Long, (cao 2m) làm hạn chế các phương tiện thủy lưu thông,

Ở tuyến du lịch đi quận 1, 4, 5, 6 và quận 8 sẽ đầu tư vào sản phẩm “Buýt trên sông” phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch kết hợp khai thác tuyến du lịch.

Ngoài ra, TP.HCM nghiên cứu xây dựng các chương trình du lịch tham quan các điểm di tích lịch sử, các chương trình hoạt động về đêm như chương trình “Về Chợ Lớn xem múa lân”; xây dựng sản phẩm tâm linh, thiện nguyện tại Đình Bình Đông, Chùa Long Hoa (quận 8) phục vụ du khách hành hương…

Tin liên quan
Tin khác