Khuôn gọn thị trường
Sự quyết liệt là điều có thể nhận thấy trong 2 công văn liên tiếp vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên vận tải hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Tại Công văn số 6969/BGTVT-VT, ngày 18/7/2021, khẳng định bất kỳ doanh nghiệp nào đủ điều kiện đều có thể tham gia thị trường kinh doanh vận tải hàng không, song Bộ GTVT cho rằng, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, việc thành lập hãng hàng không mới (bao gồm cả việc thành lập mới hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa) là chưa phù hợp.
“Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến vào năm 2022)”, công văn do ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Được biết, công văn này là kết quả của buổi làm việc giữa Bộ GTVT và 4 trong 6 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines) và IPP Air Cargo nhằm tiếp tục đánh giá tình hình của các hãng hàng không Việt Nam, tình hình thị trường vận tải hàng không, khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của các hãng hàng không Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các hãng hàng không đều thống nhất đánh giá, thị trường hàng không Việt Nam đang rất khó khăn do Covid-19. Các hãng đều phải cố gắng tìm mọi giải pháp để có nguồn thu nhằm duy trì tồn tại, trong đó, việc tham gia vận chuyển hàng hóa được coi là giải pháp quan trọng để không bị “trắng” doanh thu.
Bộ GTVT khẳng định, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được cấp cho các hãng hàng không đều có chức năng vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường hàng không, nên trong bối cảnh thị trường vận tải hành khách bị thu hẹp do Covid-19, các hãng hàng không có thể chủ động sử dụng đội tàu bay của mình để vận chuyển hàng hóa.
Kiến nghị của Bộ GTVT liên quan đến sự cần thiết lập thêm một hãng hàng không tại Công văn số 6969 là không thay đổi so với Công văn số 6782/BGTVT-VT được gửi đi trước đó 1 tuần.
Tại Công văn số 6782, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay (bao gồm cả việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hóa) vì đây là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19.
Không chỉ tạm dừng cấp phép thành lập hãng bay mới, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa kiến nghị Bộ GTVT giữ nguyên trạng đội tàu bay, chưa cho phép các hãng hàng không đưa thêm tàu bay vào Việt Nam để bình ổn thị trường.
Cần bước đi bài bản
Theo một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đề xuất của Công ty cổ phần IPP Air Cargo lẽ ra có thể nhận được sự đồng thuận cao hơn, nếu đơn vị này không đề xuất chiến lược kinh doanh trong giai đoạn đầu gần như đối đầu trực diện với các hãng hàng không nội địa.
Cụ thể, trong giai đoạn I (2021 - 2022) của Đề án Thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa, IPP Air Cargo sẽ hoạt động trong thị trường nội địa như 1 đơn vị trung chuyển cho các hãng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không nước ngoài đến/đi 16 cảng hàng không nội địa.
Do 83% thị phần vận chuyển hàng hóa đến/đi từ Việt Nam nằm trong quyền kiểm soát của các hãng bay nước ngoài, nên 6 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, VASCO) đang phải chia nhau 17% thị phần còn lại (khoảng 350.000 tấn/năm).
Trước đây, các hãng bay Việt Nam không thật sự quan tâm đến việc đẩy mạnh khai thác thị trường vận tải hàng không. Do doanh thu từ vận chuyển hành khách sụt giảm rất mạnh, các hãng phải đẩy mạnh khai thác chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do đại dịch.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 6/2021, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Một số tàu bay (chưa tháo ghế) cũng chở hàng trên khoang hành khách với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay. Tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không trong giai đoạn dịch bệnh tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch.
Do dung lượng thị phần tăng không đáng kể, nên khi các hãng đồng loạt đổ thêm tải cung ứng, đã dẫn tới cuộc chiến khá căng thẳng về giá cước, gây bất lợi cho chính các doanh nghiệp hàng không.
Không chỉ coi vận chuyển hàng hóa như một giải pháp tình thế, Vietnam Airlines còn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Thành lập đội tàu bay hàng hóa chuyên dụng, thay vì kết hợp chở hàng ở khoang hành lý với giới hạn 10 tấn/chuyến như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, vận tải hàng không chỉ thích hợp với việc vận chuyển những mặt hàng có giá trị cao, hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng đòi hỏi giao ngay..., nên sản lượng vận tải không lớn so với các lĩnh vực vận tải khác. Trong khi đó, phần lớn mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam (điện thoại, bưu phẩm giao nhanh…) đều được doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn hãng hàng không chính quốc hoặc các nhà vận chuyển quốc tế lớn. Các luồng hàng còn lại dành cho doanh nghiệp hàng không trong nước chủ yếu là xuất khẩu nông sản có tính mùa vụ.
“Nếu không có chiến lược kinh doanh bài bản, tiềm lực tài chính lớn để xây dựng đội tàu bay hàng hóa quy mô lớn; hệ thống kho ngoại quan tại sân bay đồng bộ…, các hãng hàng không Việt Nam rất khó giành được thị phần vận tải hàng hóa có giá trị cao từ các hãng hàng không, logistics hàng đầu thế giới hay những đơn vị có ưu thế về chân hàng…”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines phân tích.