Thời sự
Dưa hấu, hành tím vào nghị trường Quốc hội
Mạnh Bôn - 11/05/2015 21:52
Câu chuyện người dân nhiều địa phương mua dưa hấu, hành tím giúp nông dân một số tỉnh miền Trung khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự lo ngại trước sự phát triển của ngành nông nghiệp khi đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 trong phiên làm việc sáng 11/5.

Không chỉ có dưa hấu và hành tím, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhiều mặt hàng nông sản, kể cả những mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, hạ tiêu, hạt điều… đều phải đối mặt với sức ép cạnh tranh mà theo ông là “vô cùng lớn”.

Ngay cả với mặt hàng mà Việt Nam tự hào là “cường quốc”, ví như gạo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết đang phải chịu sức ép vô cùng lớn vì nhiều nước trước đây là thị trường nhập khẩu chủ lực của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu nông nghiệp, tiến tới làm chủ nhu cầu trong nước và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

 

“Ấn Độ và Pakistan trước đây đứng bên ngoài thị trường xuất khẩu gạo, nhưng năm nay họ đã bắt đầu tham gia khiến sức ép cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng trở lên khốc liệt”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lo lắng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đoàn Việt Nam đề cập đến việc Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam. Phía bạn trả lời họ đã chủ động được lương thực. Mấy năm trước, họ nhập khẩu gạo của Việt Nam vì giá rẻ. Nhưng năm nay, họ hạn chế nhập khẩu vì lượng lương thực đã dư thừa, muốn nhập 1.000 tấn gạo để tích trữ buộc phải tiêu thụ được 1.000 tấn sản xuất trong nước. Điều này rất khó vì mức tiêu thụ lương thực trong nước chỉ có hạn.

“Chưa năm nào hoạt động sản xuất nông nghiệp khó khăn như năm nay. Chưa năm nào cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp khó khăn như năm nay. Nếu không đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trên tất cả các mặt trận thì tăng trưởng GDP khó có thể duy trì được tốc độ cao như những tháng đầu năm. Thậm chí, cán mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu phấn đấu đã là rất khó”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lo ngại.

Sự phát triển của ngành nông nghiệp, xuất khẩu hàng nông sản trong những năm tới, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sẽ hết sức khó khăn.

“Chúng ta tái cấu trúc nông nghiệp, thế giới họ cũng tái cấu trúc. Chỉ khác là họ tái cấu trúc bài bản hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục tiến trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp như hiện nay, trong khi TPP về cơ bản đã về đích, 16 hiệp định thương mại song phương (FTA) cũng tiến tới ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng chuẩn bị thực thi, tôi e rằng, tất cả các mặt hàng nông sản sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thức thức”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

“Sức ép cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được nói đến nhiều, nhưng dường như chưa thấy chuyển biến, doanh nghiệp không quan tâm làm, thông tin về sức ép trong hội nhập không đầy đủ. Nói thật, tôi rất lo âu cho vấn đề cạnh tranh trên tất cả các mặt trận chứ không riêng gì nông nghiệp khi thực hiện 16 FTA, TPP, AEC”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh quan ngại.

Đánh giá cao nghĩa cử giúp người nông dân tiêu thụ dưa hấu và hành trong thời gian vừa qua, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, đây không phải là giải pháp lâu dài, không phải là giải pháp xử lý các vấn đề kinh tế.

“Quốc hội phải thảo luận và đưa ra các giải pháp tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để người nông dân yên tâm sản xuất”, bà Mai đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ông Phùng Quốc Hiển chia sẻ, gia đình ông cũng tham gia mua dưa hấu, mua hành của người nông dân trong thời gian vừa qua.

“Nhưng giỏi lắm mỗi ngày gia đình tôi chỉ ăn 1 quả dưa hấu là cùng. Việc người dân mua dưa hấu, mua hành sản xuất trong nước chỉ là tinh thần động viên, giúp đỡ. Nếu không có giải pháp căn cơ, dài hơi thì đúng như anh Bùi Quang Vinh nói, ngoài dưa hấu, hành thì tiêu, điều, cà phê, gạo… và các sản phẩm khác cũng rất khó khăn trong tiêu thụ vì chúng ta không có cách gì bảo vệ khi gia nhập TPP, FTA, AEC”, ông Hiển phát biểu.

Giải pháp nào giúp nông dân tiêu thụ nông sản nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là vô cùng khó, vì vấn đề quan trọng nhất là con người thực thi, cụ thể là bộ máy quản lý nhà nước quá trì trệ.

“Tôi mới đi chấm thi chuyên viên cao cấp và thấy rằng, trình độ của thí sinh đều là vụ phó, vụ trưởng; phó giám đốc, giám đốc các sở ngành… trở lên mấy năm nay đã không được cải thiện mà lại còn giảm đi. Khi thi vấn đáp, hầu như thí sinh không nắm được bất cứ cơ chế, chính sách nào, cái gì cũng lơ mơ. Nói thật, nếu là người có tự trọng thì rất nhiều cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cục không nên đi thi chuyên viên cao cấp vì trình độ của họ quá thấp”, ông Quyền bày tỏ sự ngao ngán.

Theo ông Quyền, chính sách, cơ chế tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, cho doanh nghiệp, người dân muốn đi vào cuộc sống thì phải có đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngoài tận tâm, tận lực phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu trình độ của đội ngũ cán bộ không được cải thiện thì ông Quyền không tin tưởng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

“Năm nào dưa hấu chẳng ùn ứ ở cửa khẩu biên giới phía Bắc. Năm nào người nông dân chẳng khổ về tình trạng “được mùa mất giá”. Vì đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước vẫn không có gì thay đổi thì làm sao giúp nông dân tiêu thụ được nông sản chứ nói gì đến việc to tát hơn là tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông Quyền thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Tin liên quan
Tin khác