Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân |
Thưa ông Hoàng Bình Quân, trong những ngày tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Xin ông cho biết vị trí của Lào trong đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam?
Đại hội XII của Đảng ta đã khẳng định lại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; nhấn mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Trong quan hệ với các nước, các đối tác, thì có thể nói rằng quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng tiếp tục là một ưu tiên cao trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong đó, quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, như hai Đảng, hai nước đã xác định: Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là tài sản chung vô giá của cả hai dân tộc, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Xin ông cho biết tại sao lại nói quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào là đặc biệt?
Quan hệ Việt Nam-Lào là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt vì nó được kết tinh bởi nhiều yếu tố, đó là láng giềng tự nhiên, tương đồng văn hóa, gắn bó lịch sử, cùng chung hoàn cảnh, cùng chung chí hướng, cùng chung mục tiêu, cùng chung con đường, hết mực yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Hai nước Việt Nam Và Lào núi liền núi, sông liền sông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong. Cũng chính vì thế mà từ lâu đời, nhân dân hai nước đã có truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn, như làng trên, xóm dưới.
Nhân dân hai nước đã luôn kề vai, sát cánh bên nhau, sống chết có nhau, sẵn sàng hy sinh vì nhau trong cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự do.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã cùng chung một chiến hào, đồng cam cộng khổ trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, chung tay viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của hai dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, hai Đảng, hai nước tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, chí tình chí nghĩa trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
Có thể nói rằng, mối quan hệ Việt Nam-Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane trực tiếp đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã thực sự trở thành mối quan hệ truyền thống, rất đặc biệt, rất mẫu mực; gian khó không làm đổi thay, đạn bom không làm lay chuyển; thủy chung, trong sáng, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau; sẵn sàng hy sinh vì nhau, coi trọng và bảo vệ lợi ích của dân tộc bạn cũng như của dân tộc mình.
Có thể nói đây là một mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mẫu mực, hiếm có trong quan hệ quốc tế như Chủ tịch Souphanouvong đã nói “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm và ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất.”
Thưa ông, thời gian qua, mối quan hệ đặc biệt đó được bồi đắp, phát triển như thế nào?
Kế thừa và phát huy thành quả quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, 30 năm qua, khi hai nước bước vào giai đoạn tiến hành công cuộc đổi mới, quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào tiếp tục được hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, trở thành nhân tố không thể thiếu, không thể thay thế, bảo đảm để hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước tiếp tục giành được nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong thời kỳ Đổi mới.
Khái quát lại, chúng ta có thể thấy: Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy sâu sắc.
Lãnh đạo hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc dưới nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ với nhau định hướng cho tổng thể quan hệ cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quan hệ ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả.
Quan hệ chính trị là biểu hiện sinh động của quan hệ đặc biệt tin cậy và gắn bó bền chặt giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước.
Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào thực chất và đạt nhiều kết quả tốt, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước.
Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Hai bên đã ký nhiều Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Hiện có hơn 12.000 cán bộ, sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam và gần 500 cán bộ, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Lào.
Hai bên cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.
Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đa dạng và hiệu quả; chất lượng và hiệu quả các dự án đầu tư được nâng lên.
Hai bên chú trọng hơn trong việc phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại.
Hợp tác giữa các Ban của Đảng, các bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, các đoàn thể, địa phương của hai nước ngày càng được mở rộng, phong phú, cụ thể và thiết thực.
Xin ông cho biết ý nghĩa chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam chọn Lào là nước đầu tiên đến thăm thể hiện rõ sự coi trọng cao độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Đây cũng là lần đầu tiên, hai Đảng tiến hành đại hội cùng vào đầu năm nay. Vì vậy, hai Đảng, hai nước cùng bước vào một nhiệm kỳ mới.
Chính vì vậy, chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất đặc biệt; là dịp để Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước trao đổi, thống nhất các định hướng lớn về hợp tác cho cả nhiệm kỳ, xác định các trọng tâm hợp tác nhằm đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có các cuộc hội đàm quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Buonnhang Vorachith; các cuộc hội kiến với các vị Lãnh đạo khác của Lào; thăm một số vị nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào và đi thăm tỉnh Borikhamxay.
Nhân dịp này, hai bên sẽ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.
Đặc biệt, Tổng Bí thư sẽ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, sinh viên trường Đại học Quốc gia Lào-Trung tâm Nghiên cứu Khoa học đa ngành và Đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu của đất nước bạn.
Đây là dịp để Tổng Bí thư chia sẻ với cán bộ, sinh viên của trường Đại học Quốc gia Lào và với các bạn trẻ hai nước về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của hai Đảng, hai nước và về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào.
Trân trọng cảm ơn Ông!