Dự án pin năng lượng mặt trời, tổng mức đầu tư 500 triệu USD sẽ được triển khai tại KCN Sông Khoai (Quảng Ninh) |
Việt Nam tiếp tục được “gọi tên”
Giữa những ngày dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, Công ty TNHH May Linh Lợi (thành viên của Tập đoàn Crystal Hồng Kông) vẫn nộp hồ sơ lên các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương để đề xuất đầu tư thêm một nhà máy may nữa ở tỉnh này. Cuối tuần qua, chủ trương đầu tư dự án này đã được UBND tỉnh Hải Dương thông qua.
Dự kiến, Tinh Lợi sẽ đầu tư Dự án May Tinh Lợi 3-1B tại Tứ Kỳ (Hải Dương), với quy mô vốn 35 triệu USD. Một khoản vốn không quá lớn, song đã góp phần quan trọng khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam của Tinh Lợi.
Tinh Lợi đã có nhà máy đầu tiên tại Nam Sách (Hải Dương) từ năm 2003, với vốn đầu tư 64 triệu USD. Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục xây nhà máy thứ hai tại Kim Thành (Hải Dương), vốn đầu tư 124 triệu USD vào năm 2013. Hai năm trước đây, Tinh Lợi đã lên kế hoạch xây nhà máy thứ ba ở Tứ Kỳ, vốn đầu tư 39 triệu USD và bây giờ là khoản đầu tư tiếp theo.
Ngay từ thời điểm Việt Nam còn đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Tinh Lợi đã tuyên bố tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội này. Và đúng là cho đến nay, nhà đầu tư này đã không ngừng bỏ vốn vào Việt Nam.
Trước khi May Tinh Lợi nhận chủ trương đầu tư, có tới 5 nhà đầu tư khác nhận chứng nhận đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Trong số đó, phần vốn đầu tư lớn nhất thuộc về Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan). Tập đoàn này đã quyết định rót thêm 610 triệu USD vào Nhà máy Polytex Far Eastern Việt Nam, đang có vốn đầu tư gần 600 triệu USD.
Trong khi đó, Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan) đã quyết định đầu tư thêm 100 triệu USD cho dự án giấy 1 tỷ USD của mình. Dự án này được cấp chứng nhận đầu tư vào những ngày cuối năm 2015 và thời điểm đó, bà Cheng Tsun Hui, Chủ tịch Tập đoàn Cheng Loong cho biết, đây là một “bước phát triển mới” trong chiến lược đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam.
Cùng với hai nhà đầu tư trên, một tên tuổi lớn khác - Procter & Gamble, trong đợt này, cũng đã dốc thêm 44,8 triệu USD để nâng vốn đầu tư lên 247,8 triệu USD. Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) đầu tư một dự án mới với quy mô vốn 184 triệu USD, còn Trung tâm Logistics ECPVN Bình Dương 2 có vốn đầu tư trên 34,4 triệu USD.
Ngoài các dự án mới này, có thể kể tên hàng loạt dự án quy mô lớn khác đã được cấp chứng nhận đầu tư kể từ đầu năm tới nay. Chẳng hạn, dự án 475 triệu USD của Intel (Mỹ), Dự án mở rộng 750 triệu USD của LG Display (Hàn Quốc), hay Dự án Jinki Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), 498 triệu USD… Và tất nhiên, không thể không nhắc đến hai dự án tỷ USD là Điện khí Long An (3,1 tỷ USD) và Nhiệt điện Ô Môn II (1,31 tỷ USD)…
Sự xuất hiện của các dự án này đã chứng minh một điều, Việt Nam đã tiếp tục được các nhà đầu tư nước “gọi tên”, bất chấp Covid-19. Và vì thế, trong 5 tháng qua, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đã có 14 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn thế nữa, vốn giải ngân cũng rất tích cực, đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7%.
Duy trì lợi thế cạnh tranh
Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); CPTPP; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Và đó là một trong những lý do để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Các lợi thế khác cũng đã được Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhắc đến, đó là kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì đà tăng trưởng dương trong bối cảnh Covid-19; Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài lớn nắm bắt kịp thời các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam; một loạt dự luật quan trọng đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh được ban hành; cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn được bổ sung …
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng “nóng” ở khu vực Đông Nam Á. Indonesia đang đưa ra các biện pháp khuyến khích đầu tư theo kiểu “đo ni đóng giày” cho nhà đầu tư và có khả năng sắp tới sẽ là các chương trình cho phép đền bù carbon. Còn Philippines mới đây đã công bố kế hoạch ban hành chính sách thuế mới lấy “cảm hứng” từ Singapore, với trọng tâm là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống 25% đối với các tập đoàn lớn và 20% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Không chỉ Indonesia hay Philippines, cả Thái Lan, Malaysia, thậm chí cả Lào, Campuchia cũng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh ấy, bài toán đối với Việt Nam chính là làm sao duy trì lợi thế cạnh tranh, đón đầu cơ hội dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển.
“Để thu hút đầu tư, chúng tôi đang tập trung triển khai lập quy hoạch tỉnh, hoàn thiện bổ sung, sửa đổi các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ tiền thuê đất cho nhà đầu tư sao cho mang tính cạnh tranh nhất”, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết.
Không chỉ Nghệ An, nhiều địa phương trong cả nước cũng đang rốt ráo thực hiện các biện pháp tương tự. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, điều mà các nhà đầu tư mong chờ vẫn là một chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài cụ thể, cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt… Những chính sách này cần sớm được ban hành.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020; vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 1,31 tỷ USD, giảm 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!